Nhựa tái chế móc từ bãi rác quay về... bàn ăn
Sử dụng đồ dùng bằng nhựa như bát, hộp, lọ… để đựng đồ ăn là thói quen của nhiều người Việt do sự tiện dùng và tốn ít chi phí. Tuy nhiên cách làm này lại không tốt cho sức khỏe và cần được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Giải thích rõ hơn về việc sử dụng đồ nhựa gây hại cho sức khỏe, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, có rất nhiều mối nguy khi người dân dùng đồ nhựa để nấu, đựng và bảo quản thức ăn.
“Đồ nhựa của Việt Nam mà chúng ta đang sử dụng có 2 loại, một loại nhựa nguyên khai, nhựa gốc ban đầu; 2 là loại nhựa tái chế.
Với nhựa nguyên khai, nó không có khả năng tham gia phản ứng hóa học, nó cũng không có khả năng chuyển dịch từ màng nhựa ra ngoài sản phẩm, nên có thể dùng các đồ dùng được làm từ nhựa nguyên khai để chứa đựng thực phẩm.
Thế nhưng đến khi nhựa nguyên khai bị thải ra, tác động của môi trường làm cấu trúc của polime không còn như trước, rất dễ có khả năng khuếch tán ra các chất khác, các chất này có thể hòa tan trong dầu, trong muối… sinh ra độc hại.
Còn nhựa tái chế, là hỗn hợp đủ thứ nhựa người ta móc lên từ bãi rác, trong quá trình tái chế người ta còn nấu lại, cho thêm chất màu, chất gia công vào… loại nhựa này chủ yếu chỉ được phép dùng đối với việc làm đồ dùng như ống dẫn nước, cái chậu, cái hót rác, chổi nhựa… không được dùng để chứa đựng đồ ăn.
Nhưng đa số người Việt đang dùng các loại đồ dùng từ nhựa tái chế để chứa đựng đồ ăn như dùng lọ nhựa, hộp nhựa, xô chậu nhựa để đựng dưa, cà muối, đựng mỡ, đựng thịt, cá ăn thừa…” – PGS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Dùng bình nhựa đựng đồ ăn nguy hiểm thế nào?
Vị chuyên gia này chỉ rõ hơn, về nguyên tắc, đồ nhựa được chế tạo không phải để chịu nhiệt, nấu hay đựng, bảo quản đồ ăn dù trong hoàn cảnh nào.
Bởi ở nhiệt độ cao, nhựa và thực phẩm sẽ biến dạng và xảy ra phản ứng hóa học, tạo ra các chất tổng hợp không có trong tự nhiên.
Và những chất này đa phần là hóa chất có lượng độc tố, nếu nấu nướng, bảo quản ở nhiệt độ cao sẽ gây ra tình trạng phơi nhiễm độc. Khi vào cơ thể, các chất này sẽ len lỏi vào cơ quan nội tạng hay máu gây hại cho sức khỏe, là nguyên nhân của rất nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.
Hơn nữa, vì tiện dụng nên người dân thường dùng hộp nhựa đựng các thực phẩm mặn, có muối hay đồ nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa đựng như vậy cũng làm phát sinh các độc tố có hại trong quá trình bảo quản.
Vì trong các loại thực phẩm có đa dạng chất, ví như trong dưa chua có axit, trong thịt có chất béo mà chất béo là dung môi hòa tan dễ dàng, đựng dầu, đựng thực phẩm có mỡ, có muối, đựng rượu…, đây đều là những dung môi dễ dẫn đến khuếch tán, kéo giãn, hòa tan các chất độc trong nhựa vào thực phẩm.
Đó là còn chưa kể tới việc nhựa tái chế và tâm lý tận dụng, dùng đi dùng lại của người dân. Một món đồ có thể dùng tới vài tháng, 1 năm, thậm chí vài năm để nấu ăn và chứa đựng thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người dân chỉ nên sử dụng các đồ dùng bằng nhựa đối với các đồ dùng sinh hoạt như ống dẫn nước, cái chậu rửa, cái hót rác, chổi nhựa… không nên dùng đồ nhựa tái chế để chứa đựng, bảo quản đồ ăn đồ uống.
Khi nấu ăn, bảo quản tránh để thực phẩm nhiệt độ cao tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm làm bằng nhựa. Quá trình bảo quản, nếu có nhu cầu sử dụng hộp nhựa để bảo quản thức ăn, người dân nên chọn những sản phẩm được làm từ nhựa nguyên khai của các hãng nổi tiếng, uy tín, có thương hiệu.
Khi đựng thực phẩm bằng đồ nhựa nguyên khai cũng chỉ nên đựng những đồ khô, ít dầu mỡ, ít muối và tránh bảo quản ở nhiệt độ cao để hạn chế mối nguy hại.
Và cũng không nên tái sử dụng quá nhiều lần đồ nhựa, khi thấy hộp, khay hay thìa đã cũ, xước xát nhiều cần thay mới. Tốt nhất là nên dùng các đồ dùng bằng sành, sứ, thủy tinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn để tránh cho cơ thể bị nhiễm độc.