Báo Điện tử Gia đình Mới

Dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan do thuốc và 6 lời khuyên để phòng tránh

Tổn thương gan do thuốc (Drug-induced liver injury) là khái niệm chung chỉ những ảnh hưởng đến gan bởi thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thuốc có nguồn gốc từ thực vật.

Gan là cơ quan có nhiều chức năng quan trọng và phức tạp vì giúp giải độc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. 

Phản ứng có hại của thuốc là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tổn thương gan, tỷ lệ lên đến 4% - 10% các phản ứng có hại do thuốc gây ra.

Hầu hết các nghiên cứu đánh giá tỷ lệ tổn thương gan do thuốc tập trung vào các loại thuốc hay các tổn thương gan có triệu chứng. Thực tế, tổn thương gan do thuốc còn có thể gây ra bởi các thuốc không kê đơn như paracetamol hay các thuốc có nguồn gốc dược liệu nên tỷ lệ gặp có thể còn cao hơn.

Triệu chứng nhận biết tổn thương gan do thuốc

Ảnh: Very Well

Ảnh: Very Well

Các triệu chứng tổn thương gan do dùng thuốc có thể xuất hiện từ 5 ngày đến 3 tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc bao gồm các triệu chứng:

  • Chán ăn
  • Mệt mỏi
  • Khó chịu vùng bụng trên bên phải
  • Nổi mẩn ngứa ngáy
  • Nước tiểu sậm màu
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sụt cân
  • Nếu khởi phát đột ngột có thể kèm theo sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn
  • Nhiều người không có triệu chứng nào đi kèm

Một số loại thuốc gây tổn thương gan

  • Thuốc kháng sinh: Amoxicillin/Clacvulanic, Trimethoprim/Sulfamethoxazol, Fluroquinolon, Macrolid, Nitrofurantoin, Isoniazid, Rifampin, Pyrazinamid.
  • Thuốc ARV (thuốc kháng HIV): Abacavir, Efavirenz, Nevirapin.
  • Thuốc kháng nấm: Voriconazole.
  • Thuốc chống động kinh: Phenytoin, Carbamazepin, Valproat. 
  • Thuốc giảm đau: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
  • Thuốc giảm lipid nhóm Statin: Atorvastatin, Simvastatin
  • Nhóm khác: Allopurinol, Amiodaron (uống), Ức chế bơm proton.
ton thuong gan do thuoc (2)

Thuốc nam, thuốc đông y được nhiều người thích sử dụng, vì tâm lý chung cho rằng thuốc có nguồn gốc thảo dược, chế biến từ cây cỏ thiên nhiên nên lành tính, không bổ ngang thì bổ dọc.

Tại Mỹ có sự gia tăng đáng kể việc sử dụng các chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, mức tăng từ 7% đến 20% từ năm 2004 đến năm 2013.

Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể có tác dụng phụ mà người dùng chưa biết.

Thực tế, thuốc nam, thuốc đông y đã ghi nhận nhiều trường hợp gây tổn thương gan nặng thậm chí suy gan cấp có khả năng gây tử vong.

Các chế phẩm phổ biến nhất liên quan đển tổn thương gan là các chế phẩm bổ sung trong tập luyện thể hình và giảm cân.

Một số thảo dược hoặc các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược ghi nhận gây độc tính trên gan như:

Thảo dược Phân loại tổn thương gan Thảo dược Phân loại tổn thương gan
Kava (Hồ tiêu rễ) Viêm gan, ứ mật Ma Huang (Ma hoàng) Viêm gan
Camellia sinensis (Trà xanh) Viêm gan, ứ mật Polygonum multiflorum (Hà thủ ô đỏ) Viêm gan, ứ mật
Aloe vera (Lô hội) Viêm gan Ganoderma lucidum (Nấm linh chi) Ứ mật
Morinda citrifolia (Quả nhàu) Viêm gan, ứ mật Clove oil (Dầu đinh hương) Viêm gan
Serenoa (Cọ lùn) Ứ mật Soy isoflavon (Dầu đậu nành) Suy gan cấp
Azadirachta indica (Sầu đâu) Gan nhiễm mỡ Valerian (Lang nữ) Viêm gan
Cassia angustifolia (Phan tả diệp) Viêm gan, ứ mật Passiflora ( Lạc tiên) Viêm gan
Lycopodium serratum (Chân sói) Viêm gan, ứ mật Pennyroyal oil (Dầu bạc hà) Viêm gan

Điều trị tổn thương gan do thuốc

Biện pháp quan trọng nhất trong điều trị tổn thương gan là ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ.

Tuy nhiên, tùy vào lợi ích mang lại và nguy cơ tổn thương gan của thuốc đó mà bác sĩ sẽ có hướng tiếp cận xử trí thích hợp.

Đồng thời, người bệnh cần phải tự theo dõi sức khỏe của mình, cung cấp cho nhân viên y tế các thông tin cần thiết như tiền sử bệnh, phương thức ăn uống (ăn kiêng, ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu bia,…), lối sống (hút thuốc lá,…), đặc biệt là nắm rõ thông tin thuốc đang sử dụng (thuốc nam/bắc, tên thuốc, thời gian sử dụng,…).

Tránh quan niệm uống thuốc thì phải "bị như thế" mà không thông báo cho bác sĩ, như vậy sẽ làm bệnh của mình thêm phức tạp.

 Khi người bệnh cung cấp thông tin càng rõ ràng và cụ thể sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác chẩn đoán và điều trị của nhân viên y tế.

Lời khuyên để bảo vệ gan, giảm thiểu nguy cơ tổn thương gan do thuốc

ton thuong gan do thuoc (3)

1. Người bệnh cần lưu giữ và nắm được thông tin các loại thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng hiện dùng và thông báo đầy đủ cho bác sĩ khi đi thăm khám và trong quá trình điều trị bệnh.

2. Người bệnh nên hiểu rằng càng dùng ít thuốc càng tốt. Khi sử dụng thuốc không kê đơn, hãy nhớ đọc nhãn cẩn thận và không bao giờ vượt quá liều lượng khuyến cáo. Tránh dùng liều tối đa được đề nghị trong một thời gian dài mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Chỉ sử dụng thuốc theo đơn khi đã được bác sĩ hướng dẫn.

3. "Thuốc có nguy cơ hại gan" có nghĩa là thuốc đó có thể gây hại hoặc có thể không, chứ không phải luôn gây hại gan. Khi đọc thông tin về một thuốc có nguy cơ gây hại cho gan thì đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định dùng.

4. Nếu đang mắc bệnh gan, hãy chắc chắn rằng, bác sĩ điều trị biết về chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng bệnh gan của người bệnh.

5. Nếu ngưởi bệnh bị bệnh gan tiến triển như xơ gan nặng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa gan trước khi bắt đầu dùng thuốc mới.

6. Thay đổi lối sống lành mạnh như hạn chế rượu, bia; hạn chế ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, hạn chế tiếp xúc với các chất độc trong không khí như khói bụi, thuốc trừ sâu, phân bón… Nên uống nhiều nước, bổ sung đúng cách vitamin và các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể như vitamin A,E, K, C… để giúp cho lá gan khỏe mạnh hơn.

Theo: ThS.DS. Nguyễn Quang Vinh – Khoa Dược, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO