Bỏng do đổ nồi canh, bé 5 tuổi bị nhiễm trùng nặng vì đắp thuốc lá thầy lang

Trong bữa ăn, em bé 5 tuổi vô tình bị đổ nồi nước canh vào người gây bỏng nặng. Nhưng thay vì đưa trẻ đi bệnh viện thăm khám, gia đình lại dùng thuốc lá của thầy lang chữa bỏng cho bé, dẫn tới vết thương bị nhiễm trùng nặng.

Ngày 19/9, khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, BV Sản Nhi Nghệ An  thông tin, sau gần 2 tuần điều trị tích cực, các bác sĩ đã cứu chữa thành công cho bệnh nhi 5 tuổi bị nhiễm trùng nặng do điều trị bỏng bằng thuốc lá thầy lang.

Trước đó, khoa đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, ở Nghệ An) bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, ngày thứ 8 biến chứng xuất huyết tiêu hoá.

Toàn bộ tổn  thương bỏng đều đắp thuốc lá và có mủ, mùi hôi. Bé được nhận định bỏng nhiễm trùng - nhiễm độc do xử lý sai cách.

Người nhà bé kể lại, trước đó, trong lúc cả nhà ăn cơm, bé đã vô tình làm đổ nồi nước dùng làm phở vào người gây bỏng diện rộng. Sau khi bị bỏng, gia đình sơ cứu bằng nước lạnh cho bé, sau đó qua lời giới thiệu của hàng xóm, gia đình đem bé tới thầy lang để điều trị bằng thuốc lá và gặp phải biến chứng.

Hình ảnh quá trình điều trị hồi phục của bệnh nhi. Ảnh minh họa

Hình ảnh quá trình điều trị hồi phục của bệnh nhi. Ảnh minh họa

Ngay sau khi vào viện, bệnh nhi được truyền dịch, đạm, truyền máu, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, điều trị xuất huyết tiêu hoá, nâng cao thể trạng, bệnh nhân được thay băng bỏng - đắp gạc tiên tiến hàng ngày, tắm điều trị bỏng 2 lần.

Sau gần 2 tuần nằm viện, bé đã tỉnh, ăn uống được, không nôn ra máu. Da, niêm mạc hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều, phổi không rales, bụng mềm, tổn thương bỏng toàn thân khỏi hoàn toàn, được xuất viện trong ngày hôm nay.

Theo các bác sĩ, từ đầu năm 2022 đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị gần 100 trường hợp bệnh nhi bị bỏng, điều đáng tiếc đa phần các bé đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách, phản khoa học. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị bỏng nhưng không đến cơ sở y tế mà tự ý điều trị tại nhà, nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn gây thêm nguy hiểm cho trẻ.

Nếu trẻ không may bị bỏng nước sôi, bỏng hơi, cháo thì cha mẹ cần sơ cứu cho con bằng cách: Ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng). Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng.

Sau khi sơ cứu cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách. Tuyệt đối không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng đã bị tổn thương nghiêm trọng vì dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị bỏng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau: 

  • Không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện… 
  • Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt… phải để nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ. 
  • Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như như Lavie, trà C2…, nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. 
  • Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài. 
  • Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
  • Cha mẹ và người trông trẻ nên học kỹ thuật sơ cứu để hạn chế tổn thương cho trẻ khi không may bị các tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ, nhà trường, cộng đồng cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính