Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và cứu chữa cho một ca bệnh khá đặc biệt. Bệnh nhân là chị L.T.C. (18 tuổi, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá).
Cách đây 2 năm, C. bắt đầu thấy cổ to, phình, đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hoá thì phát hiện bị basedow (một bệnh lý tuyến giáp khá phổ biến, còn có tên gọi là bệnh cường giáp hay bướu cổ). Điều trị một thời gian, các triệu chứng ổn định dần.
Thời điểm đang điều trị bệnh tuyến giáp chị C. phát hiện mình mang bầu. Sợ dùng thuốc ảnh hưởng đến thai nhi nên chị đã tự ý bỏ thuốc điều trị.
Hơn nữa, suốt thời gian mang thai, chị C. chỉ đi khám thai có 2 lần và các lần đi khám thai chị cũng chỉ làm siêu âm xem con có ổn không, còn tình trạng sức khỏe của mẹ thì “không quan tâm”.
Đến khi thai nhi được 28 tuần, chị C. thấy mệt mỏi, hay vã mồ hôi, đánh trống ngực. Tình trạng mệt, khó thở tiếp tục tăng dần trong 2 tuần sau, kèm theo phù 2 chi dưới, ho khạc đờm đục.
Gia đình đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá, sau đó chuyển tuyến lên Bênh viện Bạch Mai.
Tại đây, chị C. được tiến hành các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc basedow, có tổn thương thận, cường giáp mạnh, suy tim nặng (chỉ bằng 2/3 chức năng người bình thường), tràn dịch màng phổi 2 bên, viêm phổi.
Với thai nhi, có tình trạng thiếu ối. Suốt 2 tuần nằm viện, thai phụ mệt mỏi, ăn uống kém, mạch rất nhanh, sốt cao liên tục (gần 39 độ C), huyết áp thường xuyên ở mức cao khó kiểm soát.
TS Nguyễn Quang Bảy, phụ trách khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trường hợp của thai phụ C. tuần đầu khi nhập viện, thai nhi có những triệu chứng rất nguy kịch, thiếu ối, nguy cơ thai chết lưu trong tử cung rất cao.
“Để cứu mẹ, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc lợi tiểu, nhiều kháng sinh, nhưng nếu lợi tiểu, ối thai nhi càng giảm, thai sẽ lại đối mặt nhiều nguy cơ hơn. Chúng tôi đã giải thích cho người nhà bệnh nhân rằng bệnh nhân phải đứng trước sự lựa chọn: Cứu mẹ hoặc cứu con…” – bác sĩ Nguyễn Quang Bảy chia sẻ.
Dù vậy, với quyết tâm “còn nước, còn tát”, các bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường đã xin ý kiến hội chẩn toàn viện để tìm hướng điều trị cho bệnh nhân và quyết định theo dõi liên tục, điều trị theo hướng cơn bão giáp trạng để cứu thai phụ, đồng thời cố gắng duy trì thai nhi.
Rất may sau 2 tuần điều trị, thai phụ hết sốt, mạch chậm lại, huyết áp duy trì, hết khó thở, cai thở oxy.
Đặc biệt, thai nhi cũng đã ổn định hơn, không còn thiếu ối. Và khi tình trạng basedow ổn định, thai phụ chuyển dạ lúc 32 tuần thai, được chuyển khoa Sản mổ lấy thai. Bé trai 1,6kg chào đời, lập tức được chuyển hồi sức sơ sinh.
Lúc này, các chỉ số cho thấy cháu bé con của sản phụ C. bị suy hô hấp mức trung bình nặng, có những thay đổi hô hấp, tim mạch, huyết học. Chỉ số máu cũng thay đổi, tiểu cầu giảm, còn ống động mạch...
Sau khi được hồi sức tại phòng mổ, bệnh nhi bước vào ranh giới suy hô hấp và hô hấp. Sau đó, khi vào khoa Nhi, bé được thở máy, không xâm nhập (không đặt ống nội khí quản).
Qua điều trị tích cực liên tục trong 6 ngày, hiện bệnh nhi đã ổn định, tăng được 1 lạng, có thể đưa ra khỏi lồng ấp để đến với mẹ, ăn giống đứa trẻ bình thường.
L.MBạn đang xem bài viết Bỏ điều trị bệnh tuyến giáp khi mang thai, sản phụ đối mặt tình huống 'chọn mẹ hay con' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].