Năm trước, anh Pòong V. H. (42 tuổi, sinh sống tại huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Biên) phát hiện vùng cổ của mình có dấu hiệu to lên bất thường.
Anh H. có tới bệnh viện địa phương thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh H. mắc bướu cổ và cho đơn thuốc về điều trị tại nhà.
Tuy nhiên bệnh không đỡ, vùng cổ có dấu hiệu ngày càng sưng to. Hai tháng trở lại đây anh H. luôn trong tình trạng khó chịu, ban đầu chỉ cảm thấy hơi khó thở, nuốt khó nhưng về sau hiện tượng khó thở tăng lên, đặc biệt là vào ban đêm.
Có những hôm anh H. gần như thức trắng đêm do sự chèn ép của khối u nang vùng cổ. Không chỉ gây cảm giác khó thở, việc ăn uống cũng luôn khiến anh cảm thấy khó khăn hơn trước.
Khoảng 3 tháng trước anh H. có đi khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán nang lớn thùy trái tuyến giáp, đã hút hơn 70ml dịch nhưng sau vài ngày vùng cổ của anh lại to trở lại, tức vướng, nuốt nghẹn, vùng đầu sau gáy đau nhức, cơ thể mệt mỏi.
Sau khi được chuyển vào khoa Bệnh lý Tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, kết quả khám cho thấy tuyến giáp bên trái to, siêu âm thấy nhân lớn thùy trái, trong đó phần dịch chiếm ưu thế.
Hiện anh H. được xử trí bằng phương pháp hút dịch và tiêm Ethanol tuyệt đối qua da dưới hướng dẫn siêu âm.
Qua khai thác tiền sử, anh H. cho biết trong gia đình ngoài anh ra thì chị gái và anh trai ruột cũng mắc bệnh bướu cổ tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn.
Đặc biệt, trong địa phương nơi gia đình anh đang sinh sống có 60 hộ dân thì có 4 đến 5 trường hợp có bệnh lý bướu cổ như anh.
Theo ThS.BS Lê Thị Việt Hà - Trưởng khoa Bệnh lý Tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì từ đầu năm đến nay tại khoa tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh bướu giáp nhân giống như trường hợp của anh H.
Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc u nang giáp, bướu nhân tuyến giáp khá cao và đang có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp khi nhập viện khối u đã quá lớn và bắt buộc phải tiến hành thủ thuật hút dịch kèm điều trị hỗ trợ nhiều lần để làm giảm sự phát triển của khối u nang.
Tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh lý u nang tuyến giáp, bướu giáp nhân, Ths Hà cũng cho biết cho đến nay nguyên nhân gây ra nang giáp chưa được chẩn đoán rõ ràng nhưng có một điểm chung cần lưu ý sau nhiều năm điều trị cho các bệnh nhân đó là những nhóm đối tượng như người trên 60 tuổi; phụ nữ, viêm giáp mãn tính gây suy giáp; thiếu I ốt; nhiễm trùng; sử dụng thuốc chống trầm cảm…
Đối với trường hợp của anh H. gọi là nang giáp (nang có dịch; nhân đặc) thì việc dùng phương pháp điều trị tốt nhất là tiêm cồn hoặc điều trị bằng sóng cao tần.
Trong đó đối với nang giáp thì sử dụng phương pháp tiêm cồn, còn đối với nhân đặc trong quá trình điều trị cần sử dụng sóng cao tần sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Có khá nhiều quan niệm rằng dùng thuốc hooc môn giáp có thể khiến khối u nhỏ đi nhưng trên thực tế thì chỉ khoảng 20% trong số đó giảm được khối u nang tuyến giáp do vậy việc dùng thuốc hầu như không có hiệu quả mà bắt buộc phải sử dụng thủ thuật để điều trị nang giáp.
Nói về tác dụng của việc tiêm cồn Ethanol, Ths Hà cũng cho biết thêm: Sau khi tiêm cồn Ethanol khối u sẽ nhỏ lại mà không cần phải phẫu thuật. Thông qua màn hình siêu âm, các kỹ thuật viên sẽ hút dịch sạch trong khoang khối u và sử dụng biện pháp tiêm cồn.
Tuyến giáp sẽ hoàn toàn xẹp lại mà không cần phẫu thuật, giảm quá trình chảy máu, giảm chi phí điều trị.
Sau 3 tháng điều trị bằng phương pháp tiêm cồn, hiện tại khối nang giáp của anh H. đã giảm, không còn cảm giác tức vướng, nuốt nghẹn, cơn đau đầu cũng giảm, đặc biệt cơ thể không còn mệt mỏi nữa.
H.NBạn đang xem bài viết Dịch đen sì được hút từ bướu cổ to bất thường tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].