Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Báo chí trước những thách thức của trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và giải pháp

Với các công cụ AI, nhà báo có thể xử lý hiệu quả khối lượng thông tin khổng lồ, từ đó tập trung vào những công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo và kỹ năng cao hơn.

tri tue nhan tao bao chi

TS. Đỗ Anh Đức

Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

ThS. Hoàng Hà My

Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tóm tắt

Trong lĩnh vực báo chí, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang nhanh chóng ảnh hưởng đến việc thu thập tin tức, sản xuất tin bài và phân phối nội dung. Với các công cụ AI, nhà báo có thể xử lý hiệu quả khối lượng thông tin khổng lồ, từ đó tập trung vào những công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo và kỹ năng cao hơn. Khi xuất hiện các cỗ máy AI và đỉnh cao là sự xuất hiện của ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer), những thay đổi mà ngành báo chí, truyền thông đang trải qua có những điểm tương đồng với “các cuộc cách mạng công nghiệp” trước đây. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, việc ứng dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều thách thức, như: kiểm soát thông tin, tin giả, vi phạm đạo đức và bản quyền. Trên cơ sở khái quát sự phát triển của AI, thực trạng ứng dụng AI trong báo chí, truyền thông trên thế giới và Việt Nam, bài viết đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

GIỚI THIỆU

Trong lĩnh vực báo chí, sự trỗi dậy của AI đang nhanh chóng ảnh hưởng đến việc thu thập tin tức, sản xuất tin bài và phân phối nội dung. Bên cạnh những tác động tích cực, AI cũng đang tạo ra nhưng thách thức không hề nhỏ đối với ngành báo chí, truyền thông nói chung, nghề làm báo nói riêng. Nếu “lạm dụng” công nghệ AI, nhà báo có thể trở nên tụt hậu về tư duy, năng lực sáng tạo và cảm xúc. Do đó, việc nhận diện rõ ràng những thách thức này là cần thiết, để từ đó đề xuất giải pháp, nhằm vừa tận dụng hiệu quả các tác động tích cực, đồng thời giảm thiểu những ảnh hưởng không mong muốn của AI đến hoạt động báo chí, truyền thông.

KHÁI QUÁT SỰ PHÁT TRIỂN CỦA AI VÀ THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG AI TRONG BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG TRÊN THẾ GIỚI

Khái quát sự phát triển của AI

Là một trong những phát minh quan trọng nhất của lịch sử nhân loại, AI vừa là một lĩnh vực nghiên cứu, vừa là một dạng trí thông minh và là một công nghệ. AI đã xuất hiện cách đây gần 70 năm với việc tạo ra những chiếc máy tính có thể mô phỏng trí thông minh và khả năng nhận thức giống như con người. Những chiếc máy được trang bị AI có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, sắp xếp hợp lý dữ liệu và xác định giải pháp tốt nhất để đạt được các mục tiêu chính xác.

Năm 2015, các biên tập viên chuyên nghiệp của Công ty Translated.com mất trung bình 3,5 giây cho mỗi từ để kiểm tra bản dịch máy. Đến nay, họ chỉ mất 2 giây (tiết kiệm 43% thời gian). Theo đà của xu hướng này, một trí thông minh nhân tạo (cụ thể là dịch thuật) có thể đạt được chất lượng tương đương với bản dịch của con người vào cuối thập kỷ này. Tức là trước đây dịch 1.000 từ mất 1 giờ, thì sau 7 năm chỉ còn khoảng 33 phút (Yahoo Movies Canada, 2023).

Một nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, do ông Trần Minh Tuấn trình bày tại Hội thảo về Kinh tế báo chí tại Quy Nhơn vào tháng 2/2023 đã thống kê hệ sinh thái các sản phẩm ngôn ngữ lớn cho thấy, quá trình đột phá nhanh chóng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP - natural language process) với Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - large language model) như Hình 1.

Hình 1: Hệ sinh thái các sản phẩm LLM

Nguồn: Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông

Nguồn: Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong đó:

DALL-E2 có thể nhập mô tả của hình ảnh và AI sẽ tạo hình ảnh.

ChatGPT3 giống như một người bạn đồng hành có thể trò chuyện cùng.

YouChat (You.com) kết hợp tìm kiếm với AI dựa trên ChatGPT3.

Whisper là một mạng nơ-ron mã nguồn mở tiếp cận mức độ mạnh mẽ và chính xác của con người đối với chuyển đổi giọng nói thành văn bản speech2text.

Ngày 01/02/2023, OpenAI chính thức công bố API cho ChatGPT. Đáng chú ý, API của ChatGPT này là mô hình xử lý ngôn ngữ lớn mới của ChatGPT được gọi là “GPT-3.5-turbo”. OpenAI đang cung cấp 1.000 token với giá 0,002 USD. Bên cạnh ChatGPT, OpenAI cũng thông báo “hàm API” mới cho sản phẩm Whisper. Có thể sử dụng Whisper để phiên âm hoặc dịch lời nói (hoặc âm thanh) thành văn bản với chi phí 0,006 USD mỗi phút (VnReview, 2023).

Mới nhất, OpenAI thông báo một số thay đổi chính sách dựa trên phản hồi của các nhà phát triển. Một trong số những thay đổi đó là OpenAI sẽ không sử dụng dữ liệu được gửi qua API, để đào tạo các mô hình của mình nữa trừ khi khách hàng đồng ý với việc sử dụng đó. Thay đổi này có thể giúp giảm bớt một số lo ngại về việc đưa thông tin độc quyền vào bot, vì một số công ty đã cấm nhân viên sử dụng ChatGPT do lo ngại bị rò rỉ bí mật thương mại.

Thực trạng ứng dụng AI trong báo chí, truyền thông trên thế giới

Những kết quả tích cực

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, sự bùng nổ của AI đang nhanh chóng ảnh hưởng tới toàn bộ quy trình sản xuất tin tức, từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai thực hiện, cho đến phân phối nội dung theo hướng cá nhân hóa (Hình 2).

Hình 2: AI ứng dụng trong hoạt động báo chí

Nguồn: Francesco Marconi, 2021

Nguồn: Francesco Marconi, 2021

Thu thập tin tức: AI cho phép phân loại thông tin và ý tưởng bài báo thông qua các loại quy trình thu thập mới, bao gồm học máy để lọc điểm khác biệt trong dữ liệu, từ đó sẽ tự động xác định xu hướng dựa trên nội dung do người dùng tạo ra trên phương tiện truyền thông xã hội và trích xuất thông tin từ các văn bản. Tháng 10/2022, sự ra đời của Chat GPT, một giao diện chatbot do Công ty OpenAI phát triển là một ví dụ điển hình cho việc hỗ trợ nhà báo xử lý dữ liệu của AI. ChatGPT giúp nhà báo phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và nhanh chóng trả về những kết quả phân tích hoàn toàn tự động.

Sản xuất tin bài: Phóng viên giờ đây có thể tìm kiếm các khả năng sản xuất nội dung tự động, ứng dụng thuật toán vào chuyển đổi định dạng tập tin (ví dụ chuyển dữ liệu từ văn bản sang video) và chuyển đổi nội dung theo các đối tượng độc giả khác nhau. Chẳng hạn như ứng dụng AI mang tên Editor tại The New York Times giúp đơn giản hóa quy trình sáng tạo báo chí; phần mềm thông minh Heliograf có khả năng viết báo tự động tại The Washington Post; phần mềm Wibbitz tại USA Today có thể tạo ra các đoạn video ngắn bằng cách lựa chọn một câu chuyện trình bày dưới dạng văn bản, rút gọn nó, thu thập hình ảnh hoặc video, thậm chí thêm cả lời bình.

Phân phối nội dung: AI mở đường cho nhà báo gặp gỡ chính người tiêu thụ tin tức của mình thông qua những nền tảng mới nổi. Nhờ vậy, họ có thể hiểu được hành vi của người tiêu dùng, từ đó tối ưu chiến thuật kiếm tiền, đồng thời xuất bản trong thời gian thực.

Công nghệ AI còn có thể hỗ trợ báo chí trong hoạt động tương tác với độc giả. Ví dụ, nhóm kỹ sư Washington Post đã phát triển một công cụ gọi là Modbot với tính năng máy học để lọc và loại bỏ các bình luận có nội dung không phù hợp. Ứng dụng Perspective tại Le Monde hay tại El Pais có thể lọc tự động hệ thống bình luận trực tuyến để loại bỏ kịp thời những bình luận có yếu tố “độc hại”… Còn ở Việt Nam, với khoảng 420.000 bình luận trung bình mỗi tháng của độc giả, báo điện tử VnExpress đã sử dụng các thuật toán AI qua công cụ Automate Comment Review, để thẩm định sao cho các bình luận xuất hiện trên trang báo tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của tòa soạn.

Các tòa soạn ngày càng chú trọng đẩy mạnh khai thác công nghệ AI, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các định dạng nội dung, cũng như gia tăng các trải nghiệm mới lạ và giá trị cho độc giả. Trong tương lai, AI được coi là nền tảng công nghệ quan trọng nhất cần được ứng dụng. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn công việc của nhà báo, mà chỉ là “trợ thủ” đắc lực với điều kiện nhà báo phải hiểu, biết cách sử dụng và kiểm soát công nghệ này. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (2024), chỉ trong vài năm tới, tiêu chí để đánh giá chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí không phải là tốc độ áp dụng kỹ thuật số, mà là cách biến đổi nội dung kỹ thuật số để đáp ứng kỳ vọng của độc giả - điều đang thay đổi liên tục. Mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện với tòa soạn hội tụ cũng bổ sung khái niệm hội tụ giữa người và máy trong sản xuất nội dung tin bài.

Cơ hội và thách thức đối với nghề báo

Newman, N. (2024) đã chỉ ra mức độ quan trọng giảm dần từ: Rất quan trọng, Hơi quan trọng đến Không quan trọng của các ứng dụng AI trong tòa soạn hiện nay thông qua dữ liệu khảo sát 246 nhà lãnh đạo truyền thông từ 52 quốc gia.

Các ứng dụng AI được đưa ra để khảo sát bao gồm: gợi ý tự động, sử dụng thương mại (các mô hình trả phí), tự động gắn nhãn/mô tả/hỗ trợ phụ đề, thu thập tin tức (ví dụ giúp xác định câu chuyện/kiểm tra dữ liệu), báo chí robot. Các số liệu đánh giá về mức độ quan trọng của các ứng dụng AI trong báo chí được thể hiện ở Hình 3.

Hình 3: Đánh giá mức độ quan trọng của các ứng dụng AI trong toà soạn

Nguồn: Francesco Marconi, 2021

Nguồn: Francesco Marconi, 2021

Có thể thấy, công nghệ AI đã giải phóng sức lao động của nhà báo ra khỏi những nhiệm vụ nhàm chán, như: viết tin bài theo khuôn mẫu hay chỉnh sửa video, thu âm giọng nói. AI cũng giúp nhà báo tiết kiệm thời gian để có điều kiện tập trung tốt hơn vào những công việc sáng tạo đòi hỏi nhiều kỹ năng cao hơn. Nhà báo có cơ hội đọc hàng trăm nghìn tài liệu hoặc hàng triệu hình ảnh trong vài giờ - một việc có thể sẽ phải dành hàng tuần hoặc hàng tháng để xử lý. Từ đó, giúp nhà báo có đủ thời gian để phát triển các nhiệm vụ thú vị hơn, như: điều tra, phỏng vấn mọi người, hay tập trung cho những bài báo chi tiết, tỉ mỉ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do AI mang lại, nhà báo cũng phải đối diện với những thách thức từ chính công nghệ này.

Trước hết, đó là các thách thức đến từ thuộc tính thu thập và xử lý thông tin của AI. Nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại về việc kiểm soát các nguồn thông tin trên không gian mạng, các nguồn dữ liệu, đề xuất nội dung do AI tìm kiếm và gợi ý. Ứng dụng AI có thể làm giảm tính đa dạng của tin tức, vì các thuật toán của AI chỉ có thể nhận ra các khía cạnh nhất định của một câu chuyện và do đó đưa ra quan điểm thiên vị. Điều này có thể dẫn đến giảm lòng tin của công chúng, do thiếu tính minh bạch về cách các thuật toán AI đưa ra nội dung.

Hơn nữa, nếu “lạm dụng” công nghệ AI (nhất là AI tạo sinh - Generative AI) trong sáng tạo nội dung, nhà báo có thể bị phụ thuộc, thậm chí có thể bị “thui chột” năng lực sáng tạo, sự nhạy bén trong tư duy và cảm xúc của con người - điều mà máy móc không thể có được.

Ngoài ra, công nghệ AI có thể lan truyền thông tin sai lệch hoặc cũng có thể là đối tượng bị lừa bởi tin giả. Các thuật toán AI được thiết kế để xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, nghĩa là rất khó để phân biệt giữa tin thật và tin giả. AI không có khả năng hiểu được ý nghĩa cảm xúc và đạo đức của tin tức mà nó xử lý. Khi AI tiếp tục trở nên tiên tiến hơn, khả năng dễ bị tin tức giả mạo tấn công sẽ tăng lên, khiến việc phân biệt giữa đâu là thật và đâu là giả càng khó khăn hơn.

Nhà báo còn có thể vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm bản quyền nội dung, sở hữu trí tuệ khi khai thác các tính năng của AI. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra nhất trong chính sách phát triển AI và báo chí. Nhiều ý kiến tại các hội thảo, trao đổi chuyên môn từ các chuyên gia báo chí, truyền thông trên thế giới đều cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề luật hóa AI và thiết lập những tiêu chuẩn, quy định cụ thể, hợp lý, thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn mới trong lĩnh vực này. Bản chất của nghề báo, truyền thông gắn liền với sự thật, sản xuất thông tin từ chữ nghĩa đến hình ảnh, nhưng có vẻ như toàn bộ hoạt động này đều có thể bị thao túng bởi AI. Nếu các cơ quan báo chí, các nhà báo có thể sử dụng AI để sản xuất nội dung, thì không có gì đảm bảo là các thế lực với ý đồ xấu lại không thể dùng cách tương tự để tạo ra nội dung xấu, nhằm lừa đảo, phá hoại, gây nhiễu hoặc xói mòn không gian thông tin về sự thật.

THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG AI TRONG BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG Ở VIỆT NAM

Kết quả bước đầu tích cực

Tại Việt Nam, AI được xác định là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Riêng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động và đến năm 2030, con số mục tiêu này đạt 90% cơ quan báo chí.

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại, như: AI, IoT, Cloud, Big Data… vào hoạt động của mình. Hầu hết các đơn vị báo chí lớn, như: Thông tấn xã Việt Nam, VnExpress, VietNamNet… đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện với các trang báo đáp ứng tiêu chí Mobile First, đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại, như: E-magazine, Interactive, Infographic, Story scroll…

AI cũng đang được bước đầu áp dụng vào báo chí với những hình thức ngày một phổ biến hơn, như: Podcast, Text to Speech, Text to Video… Phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả, cũng là một ứng dụng AI mà một số tòa soạn lớn đã bước đầu triển khai. VietNamNet, Thanh niên, Tạp chí điện tử Ngày Nay… cũng đã triển khai mô hình Premium - thu phí độc giả trên một nhóm nội dung chất lượng cao, thanh toán phí qua cổng thanh toán tiện lợi, phù hợp với một số nhóm đối tượng, nhưng chưa đạt mức cá nhân hóa đến từng độc giả.

Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực, Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai chuyển đổi số nói chung, phát triển công nghệ AI nói riêng trong lĩnh vực báo chí, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc thu thập và chuẩn hóa dữ liệu tiếng Việt. AI cần lượng dữ liệu phong phú, chất lượng cao, số lượng cực lớn để huấn luyện. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu tiếng Việt để số hóa và chuẩn hóa chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Đây là một vấn đề lớn có thể gây ra thiên kiến hoặc thiếu hụt sự đa dạng về ngôn ngữ và hình ảnh.

Thứ hai, hạ tầng công nghệ còn hạn chế: nhiều khu vực ở Việt Nam vẫn còn thiếu hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bao gồm máy chủ mạnh, trung tâm dữ liệu và kết nối internet tốc độ cao. Điều này làm giảm khả năng triển khai và vận hành các hệ thống AI phức tạp.

Thứ ba, chi phí đầu tư cao trong bối cảnh kinh tế phát triển chưa đồng đều: việc đầu tư vào công nghệ AI đòi hỏi chi phí lớn, trong khi nhiều tờ báo ở Việt Nam có nguồn lực tài chính hạn chế. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận và ứng dụng AI trong thực tiễn.

Thứ tư, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao: số lượng chuyên gia có trình độ cao về AI và máy học ở Việt Nam còn hạn chế. Nước ta chưa có lực lượng cán bộ công nghệ mạnh hoặc chưa hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, để xây dựng được cơ sở dữ liệu hành vi của độc giả, cạnh tranh hiệu quả với mạng xã hội lớn. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này, làm cản trở sự phát triển của công nghệ AI trong báo chí.

Thứ năm, phản ứng từ người làm báo: không ít nhà báo có thể lo ngại rằng, AI sẽ thay thế công việc của họ, dẫn đến sự phản đối và khó khăn trong việc triển khai AI trong các tòa soạn. Mặt bằng kiến thức công nghệ của các phóng viên nhìn chung còn thấp, nên khả năng tiếp cận AI chưa cao.

Thứ sáu, sự cạnh tranh từ các loại hình thông tin khác. Một nghịch lý nhưng có thật là cộng đồng mạng thường cập nhật công nghệ nhanh hơn báo chí. Khi mạng xã hội và người dùng mạng được “chắp thêm cánh” AI, thì khoảng cách chênh lệch này và khả năng sản xuất nội dung có thể càng sâu sắc hơn, dẫn đến báo chí có thể thua thiệt hơn nữa trong chạy đua về lượng view.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để tận dụng những ưu thế của AI trong phát triển báo chí, truyền thông trong thời gian tới, tác giả đề xuất triển khai các giải pháp như sau:

Một là, về công tác đào tạo

Đứng trước cơ hội và thách thức kể trên, cũng như để đáp ứng hiệu quả những yêu cầu, đòi hỏi trong chiến lược chuyển đổi số báo chí, các cơ quan, tòa soạn báo, đài phát thanh truyền hình cần xác định rõ mục tiêu đào tạo và đào tạo lại đối với lực lượng người làm báo để có thể làm chủ công nghệ hiện đại nói chung, trong đó mũi nhọn là sử dụng, khai thác hiệu quả, hợp lý, đúng đắn AI vào sản xuất thông tin. Trong đó, nội dung đào tạo về AI trong báo chí cần tập trung vào: (1) Kiến thức nền tảng - hiểu biết về công nghệ; (2) Năng lực kỹ thuật - sử dụng được các công cụ; (3) Đạo đức nghề nghiệp - biết được các giới hạn, nên và không nên (Bảng).

Bảng: Gợi ý các chủ đề cốt lõi về nội dung đào tạo AI trong báo chí

Năng lực

Mục tiêu

Gợi ý chủ đề đào tạo

Kiến thức nền tảng

Hiểu rõ nguồn gốc, sự phát triển và ứng dụng AI trong báo chí

- Các loại AI; phân biệt AI với học máy và học sâu

- Nguồn gốc và tiến trình phát triển của AI

- Thuật toán cơ bản

- Tác động của AI đối với hệ sinh thái truyền thông

- Các loại AI và ứng dụng của chúng trong tòa soạn

Năng lực kỹ thuật

Phát triển kỹ năng sử dụng công cụ AI (làm quen với các chương trình và công cụ thông thường, các công việc liên quan có sử dụng AI)

- Mô tả và sử dụng các công cụ AI

- Thiết kế lời nhắc và nắm vững các kỹ thuật tạo nội dung văn bản, đồ họa và âm thanh, hình ảnh bằng AI

- Chỉnh sửa, biên tập và cải thiện nội dung được tạo ra bởi AI (giai đoạn “hậu sản xuất”)

- Xác định thông tin đáng tin cậy thông qua AI: sử dụng công cụ tìm kiếm, làm sạch dữ liệu; xử lý, xác minh, phân tích dữ liệu…

- Công cụ AI trực quan dữ liệu

- Phân tích các trường hợp ứng dụng AI trong cơ quan báo chí - truyền thông.

Đạo đức nghề nghiệp

Nắm vững các giá trị đạo đức liên quan đến sử dụng các công cụ AI trong báo chí

- Thách thức đạo đức từ ứng dụng AI trong báo chí

- Sử dụng AI có trách nhiệm thông qua tư duy phản biện và ra quyết định khi lựa chọn các công cụ AI với mục đích nâng cao hiệu quả truyền thông

- Diễn giải và phê phán các xu hướng thiên lệch tiềm ẩn của AI và ứng dụng của nó

- Sở hữu trí tuệ, bản quyền và các khía cạnh pháp lý trong bối cảnh sử dụng AI

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của tác giả

Hai là, về công tác quản lý nhà nước

Cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí tăng cường ứng dụng các công nghệ mới nói chung, AI nói riêng vào hoạt động báo chí, truyền thông, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, để phòng ngừa, cũng như đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời trong xử lý các tác động không mong muốn do AI mang lại, như: tin giả, vi phạm đạo đức và bản quyền…

Ba là, về hoạt động của người làm báo

Bên cạnh thường xuyên trau dồi kiến thức để phát triển kỹ năng sử dụng công cụ AI trong hoạt động chuyên môn, bản thân người làm báo cần chú trọng nắm vững và thực hiện nghiêm túc các giá trị đạo đức liên quan đến sử dụng AI trong báo chí, truyền thông; đảm bảo công nghệ này phục vụ hiệu quả cho nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí; đồng thời phòng ngừa các vi phạm về đạo đức trong quá trình sử dụng AI./.

Tài liệu tham khảo

1. Anshari, M., Hamdan, M., Ahmad, N., Ali, E., and Haidi, H. (2022), COVID-19, artificial intelligence, ethical challenges and policy implications, AI & Society, 38, 707–720.

2. Francesco Marconi (2021), Người làm báo: Trí tuệ nhân tạo và tương lai của báo chí, Nxb Trẻ.

3. Newman, N. (2024), Journalism, media, and technology trends and predictions 2024, Reuters Institute for the Study of Journalism.

4. Noain-Sánchez, A. (2022), Addressing the Impact of Artificial Intelligence on Journalism: the perception of experts, journalists and academics, Communication & Society, 35(3), 105–121.

5. Trần Minh Tuấn (2023), Tham luận “Hiện tượng ChatGPT: Cú huých thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở những giá trị cốt lõi của mình, Hội thảo Kinh tế báo chí tại Quy Nhơn, ngày 24/2/2023.

6. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 06/4/2023 phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. VnReview (2023), OpenAi chính thức công bố API cho ChatGPT, truy cập từ https://vnreview.vn/threads/openai-chinh-thuc-cong-bo-api-cho-chatgpt.18116/.

8. Yahoo Movies Canada (2023), Humanity may reach singularity within just 7 years, trends shows, retrieved from https://ca.movies.yahoo.com/style/humanity-may-reach-singularity-within-110000706.html.

(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11, tháng 06 năm 2024)

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO