Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Giáo dục thẩm mĩ đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non

Bài báo phân tích vai trò quan trọng của hoạt động giáo dục thẩm mĩ đối với việc phát triển toàn diện cho trẻ ở tuổi mầm non, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật cơ bản, các giai đoạn và hình thức thực hiện giáo dục thẩm mĩ nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của trẻ, khuyến khích trẻ cảm thụ và sáng tạo; từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mĩ cho trẻ ở trường mầm non.

giao duc tham mi

Tác giả: Nguyễn Thị Thành, Nghiêm Thị Đương, Bùi Thị Hoàng Mai

ABSTRACT

In the current context of modern education and profound international integration, ensuring comprehensive development for children from the preschool stage has become a top priority. In this context, aesthetic education activities play an important role not only in promoting children's creativity and freedom of expression but also in supporting their comprehensive physical and mental development as well as their thinking, emotions, social and aesthetic skills. The article reviews research on aesthetic education activities for preschool children, its impact on children's comprehensive development, and explores the art genres, stages, and forms of aesthetic education for children. Besides, the article also presents future research directions for researchers and teachers to improve the quality of aesthetic education for preschool children.

Keywords: Aesthetic education, preschool, kindergarten, experience, visual arts, music, fine arts, literature, comprehensive development

1.  Mở đầu

Mục tiêu của giáo dục mầm non (GDMN) là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời (Bộ GD-ĐT, 2021). Trẻ cần được tạo điều kiện để trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Giáo dục thẩm mĩ (GDTM) đối với lứa tuổi mầm non là hoạt động rất quan trọng và phù hợp góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Samuelsson và cộng sự (2013) cho rằng, GDTM là một hoạt động điển hình của trẻ ở trường mầm non và khẳng định có sự tương quan tích cực giữa chất lượng GDMN và hoạt động GDTM cho trẻ. Các hoạt động GDTM là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá, xếp loại chất lượng trường mầm non.

Bài báo phân tích vai trò quan trọng của hoạt động GDTM đối với việc phát triển toàn diện cho trẻ ở tuổi mầm non, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật cơ bản, các giai đoạn và hình thức thực hiện GDTM nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của trẻ, khuyến khích trẻ cảm thụ và sáng tạo; từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả GDTM cho trẻ ở trường mầm non.

2.  Kết quả nghiên cứu

2.1.  Một số khái niệm

“GDTM” là quá trình tạo ra sự cảm nhận mở rộng và nhạy bén về vẻ đẹp trong nghệ thuật và cuộc sống, đồng thời phát triển khả năng cảm nhận, hiểu biết và sáng tạo của con người (Bruner, 1990). Theo tác giả Phan Thanh Long và cộng sự (2006, tr 116), “GDTM giáo dục về cái đẹp, vận dụng cái đẹp của nghệ thuật, của tự nhiên nét đẹp của cuộc sống xã hội để bồi dưỡng quan điểm thẩm mĩ và năng lực cảm thụ, thưởng thức, sáng tạo cái đẹp đúng đắn cho HS”. Tác giả Phạm Thị Châu và cộng sự (2013, tr 95) cũng cho rằng “GDTM một quá trình tác động có mục đích, có hệ thống nhằm hình thành và phát triển ở trẻ em năng lực cảm thụ và nhận thức đúng đắn về cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống sinh hoạt, xã hội và nghệ thuật, giáo dục trẻ lòng yêu cái đẹp và năng lực sáng tạo cái đẹp”. GDTM là bộ phận quan trọng của giáo dục toàn diện, gắn bó chặt chẽ và được thực hiện thông qua tất cả các quá trình giáo dục khác trong nhà trường.

“Phát triển toàn diện trẻ em” là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ (Quốc hội, 2016). GDTM tập trung vào việc khuyến khích sự khám phá, sáng tạo, khả năng thẩm mĩ, trí tưởng tượng của trẻ. Các hoạt động liên quan đến nghệ thuật mà trẻ được trải nghiệm ở trường mầm non như âm nhạc, múa, đóng kịch, vẽ tranh, làm thủ công..., giúp trẻ hình thành và phát triển các kĩ năng, hoàn thiện thể chất, vận động, nhận thức, tư duy cũng như các kinh nghiệm xã hội của trẻ. Như vậy, có thể hiểu, hoạt động GDTM cho trẻ mầm non là quá trình tác động đến trẻ thông qua các hoạt động khám phá, trải nghiệm, sáng tạo nghệ thuật (hát, nghe nhạc, biểu diễn, chơi các nhạc cụ, vẽ tranh, xem tranh, thiết kế, làm điêu khắc, xem kịch, đóng vai,…) nhằm khuyến khích và phát triển tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ thẩm mĩ, trí tưởng tượng của trẻ, từ đó xây dựng nền tảng kiến thức, hiểu biết, cảm thụ và phát triển năng lực thẩm mĩ của mỗi trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.

2.2.  Vai trò của giáo dục thẩm mĩ đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non

Lứa tuổi mầm non có sự phát triển mạnh mẽ về thể chất, tình cảm và các kĩ năng xã hội. Trong giai đoạn phát triển quan trọng này, GDTM không chỉ giúp trẻ khám phá vẻ đẹp của thế giới xung quanh mà còn phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kĩ năng xã hội, phát triển thẩm mĩ. Theo Lê Thị Ánh Tuyết và Lã Thị Bắc Lý (2011), tuổi mẫu giáo là thời kì phát cảm của những cảm xúc thẩm mĩ - tức là những cảm xúc tích cực, dễ chịu được nảy sinh khi trẻ được tiếp xúc trực tiếp với cái đẹp khiến trẻ thấy gắn bó tha thiết với con người và cảnh vật xung quanh. Trẻ em luôn vươn tới sự biểu hiện những xúc động một cách trực tiếp, biểu cảm. Hầu hết trẻ đều say sưa với hoạt động nghệ thuật và có thể hoạt động nghệ thuật bất cứ lúc nào, nơi nào. Do đó, cần tổ chức hoạt động nghệ thuật cho trẻ trong tất cả các dạng hoạt động: học tập, vui chơi, lao động, tạo ra một môi trường của “cái đẹp” cho mọi hoạt động của trẻ. GDTM có vai trò tích cực đối với sự phát triển của trẻ về nhiều phương diện:

- Tăng cường năng lực cảm thụ thẩm mĩ và khuyến khích sự sáng tạo ở trẻ. GDTM tạo cơ hội trẻ mầm non tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hội họa, âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất và thậm chí là thiết kế thời trang. Những hoạt động này giúp trẻ và phát triển khả năng cảm nhận, đánh giá cái đẹp, khuyến khích trẻ tưởng tượng, sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới.

- Tác động tích cực đến sự phát triển nhận thức khả năng trí tuệ của trẻ. Năng lực sáng tạo luôn đồng hành với tư duy bậc cao của trẻ độ tuổi từ mầm non cho đến các bậc học cao hơn. Qua việc tập trung sáng tạo thế giới xung quanh bằng các phương tiện nghệ thuật, trẻ học cách quan sát, phân tích, đánh giá thông tin, điều này kích thích sự sáng tạo và mở rộng khả năng tư duy và nhận thức của trẻ. Tác giả Hà Nguyễn Kim Giang (2002) cho rằng, sự tiếp xúc thường xuyên của trẻ mẫu giáo với tác phẩm văn học sẽ kích thích ở trẻ sự nhạy cảm thẩm mĩ, sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ. GDTM không đơn thuần là hoạt động sáng tạo, mà các nghiên cứu sâu về tâm lí học, cho thấy, hoạt động này còn hình thành tư duy logic cũng như sự nhạy cảm cho trẻ (Lilly & Sudhakar, 2021).

- Giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, phát triển vận động. Cùng với việc giúp trẻ phát triển trí tuệ, năng lực cảm thụ thẩm mĩ và khả năng sáng tạo, các hoạt động thẩm mĩ như vẽ tranh, làm thủ công, nhảy múa, hát, chơi nhạc, đóng kịch… còn rèn luyện sự khéo léo của đôi tay, sự tinh nhạy của mắt và các phát triển các kĩ năng vận động, góp phần phát triển thể chất cũng như chuẩn bị những kĩ năng cần thiết cho trẻ bước vào môi trường học tập chủ động ở lớp một.

- Giúp trẻ có cảm xúc tích cực, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ. Vận động có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển thể lực và tâm lí của trẻ. Khi tham gia đóng kịch, “hóa thân” vào nhân vật, trẻ sử dụng ngôn ngữ, nhảy múa, ca hát... một cách thoải mái mà không bị gò bó, điều này rất có lợi cho sự tinh thần và thể chất của trẻ. Ảnh hưởng của hoạt động tạo hình tới sức khỏe tinh thần và sự phát triển thể chất của trẻ là rất lớn. Những giờ phút hoạt động tự do trong môi trường thẩm mĩ với không khí thoải mái, sinh động sẽ tạo cho trẻ cảm xúc thẩm mĩ, niềm vui sướng - điều này tác động trực tiếp, tích cực tới hoạt động của tim mạch, điều hòa các hoạt động của hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể, giúp nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ (Lê Thanh Thủy, 2004). Chính vì vậy, âm nhạc, hội họa được xem một biện pháp tâm lí trị liệu hiệu quả đối những trẻ em khuyết tật hoặc có những rối loạn về tinh thần. Tác giả Ikhtiyorovna (2020) tập trung vào nhóm trẻ cần giáo dục đặc biệt như trẻ tự kỉ hoặc trẻ có khuyết tật về thính giác, thị giác và cho rằng “GDTM sẽ giúp hình thành “gu” thẩm mĩ, loại bỏ những khiếm khuyết, những khuyết điểm, mang lại giá trị cuộc sống cho các trẻ có khuyết tật trong việc tiếp cận công bằng về phát triển thẩm mĩ.

- Giúp trẻ phát triển năng ngôn ngữ - giao tiếp các năng hội. Hoạt động nổi trội của trẻ mầm non là chơi và trò chơi có thể giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, thúc đẩy tư duy, trí tưởng tượng và khả năng giả định ở trẻ Các trò chơi dạng đóng kịch, phân vai có ảnh hưởng rất tích cực đối với sự phát triển tinh thần của trẻ, đây không chỉ là hoạt động giải trí mà còn là một cách để trẻ học và phát triển. Theo tác giả Boughton (1999), nghệ thuật là phương tiện hỗ trợ trẻ nâng cao kiến thức và hiểu biết trong các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như công bằng xã hội, nhận thức về những đặc điểm của môi trường địa phương…

Nội dung về nghệ thuật sáng tạo trong Chương trình giảng dạy mẫu giáo tại Singapore (Republic of Singapore Ministry of Education, 2013, tr 4), đã chỉ ra: “Tạo hình, âm nhạc vận động thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm các lĩnh vực nhận thức, thể chất, cảm xúc xã hội và sáng tạo. Khi trẻ lắng nghe phản hồi thông qua biểu hiện và chuyển động sáng tạo, chúng sẽ có động lực để truyền đạt ý tưởng từ trí tưởng tượng, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Do đó trẻ em cần được tạo nhiều hội để tham gia vào nghệ thuật, âm nhạc và vận động”. GDTM góp phần phát triển ở trẻ những khả năng trí tuệ như: óc quan sát, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng; giáo dục tình cảm, đạo đức, kĩ năng giao tiếp xã hội cho trẻ (Nguyễn Ánh Tuyết và cộng sự, 1996; Lê Thanh Thủy, 2004; Phạm Thị Hòa, 2009; Vũ Dương Công và cộng sự, 2017). GDTM khơi dậy ham muốn nhận thức, hình thành thói quen học tập có mục đích, có tổ chức; giúp trẻ hình thành và rèn luyện khả năng đánh giá và tự đánh giá thẩm mĩ, góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị cho trẻ kiến thức ban đầu về tự nhiên - xã hội, xây dựng một nền tảng tốt để trẻ tự tin vào lớp một. Như vậy, có thể khẳng định, GDTM góp phần quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội và thẩm mĩ. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình GDMN của Bộ GD-ĐT (2021).

2.3. Các loại hình nghệ thuật cơ bản trong giáo dục thẩm mĩ cho trẻ

Có nhiều phương thức GDTM cho trẻ: giúp trẻ cảm nhận những giá trị thẩm mĩ từ cuộc sống, như những sự vật và hiện tượng tự nhiên, vẻ đẹp của con người trong dáng vẻ, hoạt động, hành vi, ứng xử, qua những đồ vật do con người sáng tạo ra và đặc biệt là qua các tác phẩm thuộc mọi loại hình nghệ thuật như Hội họa, Điêu khắc, Văn học, Kịch nghệ... GDTM cho trẻ mầm non có thể thông qua một số loại hình nghệ thuật cơ bản như sau:

Sử dụng văn học như một phương tiện giáo dục trẻ cũng đang được tích cực hóa trong các hoạt động ở trường mầm non (Lã Thị Bắc Lý, 2013), bởi với các giá trị thẩm mĩ độc đáo, văn học làm thỏa mãn những nhu cầu thẩm mĩ, phát triển năng lực và thị hiếu thẩm mĩ của con người. Thông qua GDTM có thể giáo dục các mặt khác, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho trẻ, bởi vì đối với trẻ mầm non thì “cái đẹp” và “cái tốt” chỉ là một, khó có thể chia cắt rạch ròi. Bằng hình tượng và ngôn ngữ văn học, tác phẩm văn học làm nảy sinh ở trẻ những tình cảm sâu sắc, những rung động mãnh liệt đối với con người và cuộc sống (Nguyễn Ánh Tuyết và cộng sự, 1996). Tác giả Lowenfeld (1947) cho rằng “Ngôn ngữ thơ và các hình thức nghệ thuật là một sự hiện diện thiết yếu trong chương trình học tập”; thẩm mĩ và nghệ thuật được đặt ở trung tâm của chương trình giảng dạy với vị trí then chốt.

Hoạt động đóng kịch được các nhà nghiên cứu đánh giá là một cách giáo dục nghệ thuật sáng tạo và thú vị để giúp trẻ phát triển các kĩ năng xã hội, ngôn ngữ và tư duy sáng tạo. Để đóng vai, trẻ phải trải qua một quá trình “lao động nghệ thuật” như một nghệ sĩ, phải huy động cao độ các chức năng tâm lí như ngôn ngữ, trí tưởng tượng, xúc cảm, tư duy... Nhờ đó, trò chơi đóng kịch tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực phát triển của trẻ, nhất ngôn ngữ và tình cảm thẩm mĩ - điều rất cần thiết cho trẻ ở tuổi mẫu giáo. Điển hình, phương pháp “Áo choàng của chuyên gia” đã được Dorothy Heathcote phát triển và áp dụng trong hoạt động đóng kịch đối với trẻ em (dẫn theo Heston, 1993, tr 62). Trẻ được trải nghiệm thông qua một môi trường giả tưởng, trong đó trẻ đóng vai là những chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, nghĩa là trẻ được đặt ở trung tâm của việc học. Có nhiều hoạt động thú vị mà trẻ em có thể tham gia như hát, nhảy, chơi các nhạc cụ nhỏ, học cách nhận biết âm thanh và nhịp điệu. Vai trò của GV là tạo ra một lớp học mà ở đó khả năng lãnh đạo, kiến thức, năng lực và sự hiểu biết về thế giới xung quanh của trẻ được phát triển. Cách tiếp cận này có ảnh hưởng tích cực tới quá trình học tập và sự phát triển các nhu cầu của trẻ.

Hoạt động tạo hình cũng là một hình thức nghệ thuật có ưu thế vượt trội trong GDTM cho trẻ. Nghệ thuật tạo hình ở trường mầm non gồm có vẽ, nặn, xé dán, cắt dán, tạo hình sáng tạo bằng nguyên vật liệu mở nhằm phát triển ở trẻ khả năng quan sát, trí nhớ, tưởng tượng, xúc cảm, tình cảm về vẻ đẹp của thế giới xung quanh (Vũ Dương Công và cộng sự, 2017). Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình (vẽ, nặn, in, chắp ghép, sáng tạo cùng vật liệu, cảm thụ tranh) hiệu quả bao gồm: việc sử dụng các mô hình học tập, tiếp cận phương pháp dạy học tích cực, tăng cường trải nghiệm... khiến cho trẻ học tập chủ động, có tư duy sáng tạo và tương tác nhóm. Theo Mukhametshin và cộng sự (2020), vẽ là một trong những loại hình nghệ thuật của trẻ em dễ tiếp cận nhất và hấp dẫn nhất. Trẻ em học vẽ và yêu thích vẽ từ khi còn rất nhỏ. Ngay cả những đứa trẻ không có năng khiếu nghệ thuật cũng sớm tỏ ra thích thú với việc vẽ, chúng sẵn sàng vẽ mỗi ngày. Tác động của sáng tạo thẩm mĩ ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực từ toán học, kĩ thuật, đó là yếu tố dẫn đến thành công của trẻ ở mọi lĩnh vực.

Giáo dục âm nhạc là một trong những cách thức ưu thế trong việc hoàn thiện đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ và thể lực cho trẻ trong trường mầm non. Hoạt động âm nhạc, múa hát là một phần trong đời sống của trẻ cả ở trường mầm non cũng như ở nhà, tâm hồn trong sáng của trẻ luôn hòa vào trong những lời ca tiếng hát, điệu múa, giai điệu âm nhạc vui tươi. Nhu cầu ca hát của trẻ rất lớn, là hoạt động hằng ngày đối với mọi trẻ em, không phân biệt màu da, dân tộc, điều đó phản ánh sự trong sáng, đẹp đẽ trong tâm hồn của trẻ mầm non. Đó là một lợi thế quan trọng để GDTM cho trẻ thông qua loại hình nghệ thuật này (Phạm Thị Hòa, 2009). Âm nhạc là một trong các bộ môn nghệ thuật giáo dục cái đẹp cho trẻ, lời ca giai điệu của các bài hát bản nhạc giúp trẻ tưởng tượng, tập nói lên cảm xúc của mình, qua đó trẻ thấy được mình có thể diễn tả những ý nghĩ những mơ ước, những cảm xúc mạnh mẽ hay dịu dàng. Giáo dục âm nhạc đối với trẻ em không phải dạy trẻ hát chuẩn xác, rõ ràng một cách đơn giản mà trẻ phải được trải nghiệm đa dạng các hoạt động âm nhạc.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, định hướng giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” được lan tỏa đến rất nhiều quốc gia. Triết lí “lấy trẻ làm trung tâm” đã được các trường mầm non ở Reggio Emilia, miền Bắc nước Ý theo đuổi từ những năm 40 của thế kỉ XX và cho đến nay, đây vẫn được đánh giá là hình mẫu của trường GDMN chất lượng cao. Các đối tượng quan trọng trong mối quan hệ cộng đồng Reggio Emilia bao gồm trẻ em, phụ huynh, GV, nhân viên trường học và cộng đồng địa phương; trong đó, trẻ em là trung tâm của quá trình học tập của chính mình. Trẻ học cách mô tả, tường thuật, đặt câu hỏi, đưa ra giả thuyết, giải quyết, đàm phán và hòa giải qua “một trăm ngôn ngữ” (Edwards et al., 2012). Định hướng giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” là một nguyên tắc xuyên suốt để đảm bảo việc thực hiện GDMN đạt hiệu quả cao, đem lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển các năng lực, có khả năng thích ứng và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn của cuộc sống (Bộ GD-ĐT, 2021).

2.4. Các giai đoạn giáo dục thẩm mĩ cho trẻ

GDTM cho trẻ là hành trình dẫn dắt trẻ đi từ cảm thụ nghệ thuật, khơi gợi hứng thú, phát triển năng lực thẩm mĩ đến việc thúc đẩy sự phát triển tư duy và sở thích sáng tạo nghệ thuật ở trẻ. Vì vậy, có thể thực hiện GDTM qua các giai đoạn chính như sau: - Giai đoạn cảm xúc và tạo động lực: đánh thức khả năng thưởng thức nghệ thuật, hứng thú, niềm yêu thích đối với tác phẩm nghệ thuật; phát triển các định hướng giá trị cho nhu cầu thẩm mĩ, động cơ để giao tiếp và tìm hiểu nghệ thuật bằng cách cho trẻ tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật và sản phẩm mang tính thẩm mĩ; - Giai đoạn phát triển nhận thức thẩm mĩ: phát triển nhận thức nghệ thuật, ý nghĩa thẩm mĩ, biểu cảm nghệ thuật, làm giàu kinh nghiệm thẩm mĩ cho trẻ; - Giai đoạn phát triển giá trị thẩm mĩ: trẻ được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật, suy ngẫm và tiếp thu giá trị nghệ thuật; phát triển khả năng phân tích, diễn giải, giải thích một cách sáng tạo; có quan điểm, sở thích và lí tưởng thẩm mĩ riêng, biết cảm nhận về cái đẹp; phát triển trí tuệ cảm xúc, tư duy liên tưởng và nghệ thuật, hoạt động nghệ thuật và trí tưởng tượng sáng tạo; hình thành thái độ, cảm xúc và đánh giá đối với các tác phẩm nghệ thuật cũng như các sự vật, hiện tượng nói chung; - Giai đoạn sáng tạo thẩm mĩ: trẻ có các quyết định sáng tạo thẩm mĩ, các hành động, hành vi, hoạt động thẩm mĩ. Mục đích của giai đoạn này là phát triển thẩm mĩ và nghệ thuật, hình thành và phát triển nhân cách thẩm mĩ ở trẻ (Zhytnik, 2022).

2.5. Một số hình thức giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non

2.5.1. Giáo dục thẩm cho trẻ mầm non qua trải nghiệm

Theo Wurm (2005), nghệ thuật sáng tạo dường như xuất hiện từ nhiều trải nghiệm, bao gồm cảm giác tự do mạo hiểm vượt ra ngoài những điều đã biết. Vì vậy, nguyên tắc GDTM cho trẻ mầm non là tạo không gian cho trẻ trải nghiệm và tôn trọng sự sáng tạo của trẻ. Thông qua nghệ thuật và trải nghiệm thẩm mĩ, trí tưởng tượng của trẻ được mở rộng và có thể được đáp ứng với các tình huống hằng ngày. Những trải nghiệm nghệ thuật liên tục sẽ làm phát triển thẩm mĩ ở trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, từ đó tác động tích cực đến tương lai của trẻ. Chương trình GDMN đặc biệt chú trọng tới việc trẻ học qua trải nghiệm, qua trò chơi “chơi mà học, học bằng chơi” (Bộ GD-ĐT, 2021). “Chơi” là một “từ khóa” trong trải nghiệm học tập của trẻ (dẫn theo Fitri, 2020), giúp trẻ hoàn thiện thể chất, tâm lí, khả năng phán đoán, sáng tạo, kĩ năng hoạt động hợp tác và phát triển tư duy, làm tiền đề tích cực cho giai đoạn tiếp học tập ở những cấp học tiếp theo. Trẻ phát triển tốt nhất khi được hoạt động với những gì trẻ yêu thích; do đó, việc vui chơi dựa trên trải nghiệm về thế giới thực và học tập thông qua thực hành là phương tiện để hình thành các kinh nghiệm thẩm mĩ, tạo động lực cho trẻ tích cực học tập và sáng tạo. Lilly và Sudhakar (2021) tin rằng trẻ có độ nhạy cảm thẩm mĩ cao thường có sự phản ứng nhanh nhạy trong các tình huống thực và để giáo dục trở nên có giá trị đối với HS thì điều quan trọng là phải cung cấp những trải nghiệm thẩm mĩ tích cực cho trẻ. Trải nghiệm giúp trẻ xây dựng ý kiến của riêng mình cũng như nhận được những phản hồi từ bạn bè.

2.5.2. Giáo dục thẩm qua dự án học tập

Dạy học dự án là một hình thức dạy học phức hợp, trong đó dưới sự hướng dẫn của GV, người học tiếp thu kiến thức và hình thành kĩ năng thông qua việc giải quyết một bài tập tình huống (dự án) có thật trong đời sống, theo sát chương trình học, có sự kết hợp giữa lí thuyết với thực hành và tạo ra các sản phẩm cụ thể (Trịnh Văn Biều và cộng sự, 2011). GDTM cho trẻ mầm non qua các dự án học tập là một cách tiếp cận hiệu quả để khuyến khích sự sáng tạo và phát triển toàn diện của trẻ. Bằng cách thực hiện các dự án học tập thẩm mĩ, trẻ không chỉ được khuyến khích thể hiện sự sáng tạo của mình mà còn phát triển sự tự tin, lòng tự trọng và các kĩ năng xã hội khác. Vì vậy, trong GDTM, các hoạt động nghệ thuật cần đan xen và không tách rời trong các dự án học tập của trẻ mầm non. Các dự án học tập là một trong những hình thức GDTM xuyên suốt của các trường mầm non, ở đó, trẻ được cùng thảo luận với bạn bè và người hướng dẫn trước khi bắt đầu xây dựng và thực hiện một dự án (Nguyễn Thị Thành, 2022). Các dự án do trường các mầm non Reggio Emilia phát triển đã khuyến khích trẻ sử dụng nhiều kĩ năng khoa học cơ bản trong các dự án nghệ thuật, hoặc sử dụng nghệ thuật thị giác, chẳng hạn như hội họa và sáng tạo trong các dự án khoa học (Edwards et al., 2012).

2.5.3. Tích hợp giáo dục thẩm trong các hoạt động giáo dục trường mầm non

Theo Fitri (2020), việc học tập được “tích hợp” được coi là phù hợp nhất để áp dụng vào thời thơ ấu. Ở tuổi mầm non, trẻ đã có thể tìm hiểu tiến trình và nội dung bài học liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cùng một lúc với mục tiêu trọng tâm là kết nối lí thuyết và thực hành, được tham gia vào việc lập kế hoạch, khám phá, trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết lẫn nhau, được khuyến khích làm việc trong một môi trường học tập hợp tác. Vì vậy, GV cần thiết kế các hoạt động phù hợp để đáp ứng các nhu cầu hoạt động học tập đa dạng trẻ, tạo cơ hội cho trẻ phát huy cao nhất khả năng của mình. Nghệ thuật rất có ý nghĩa trong việc giúp trẻ sẽ hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, nghệ thuật và các lĩnh vực kiến thức khác (như khoa học, toán học…) không được coi là các môn học riêng biệt mà cần được tích hợp xuyên suốt chương trình GDMN. Đó là “tổng thể các trải nghiệm, hoạt động và sự kiện, dù trực tiếp hay gián tiếp, diễn ra trong một môi trường được thiết kế để khuyến khích việc học tập và phát triển của trẻ em” (New Zealand Ministry of Education, 1996).

2.6. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non

- Tạo môi trường học tập đa dạng, kích thích sáng tạo. Cần trang trí lớp học với các sản phẩm nghệ thuật, tận dụng tối đa ánh sáng để bài trí các góc học tập tiện dụng, mang tính thẩm mĩ cao như: góc tạo hình, góc xây dựng, góc trang phục và biểu diễn… trang bị tài liệu, đồ chơi, nguyên vật liệu đa dạng, ưu tiên vật liệu từ địa phương và thân thiện với môi trường để khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động khám phá và sáng tạo.

- Tích hợp GDTM trong các hoạt động giáo dục trường mầm Để tăng tính liên tục và thực tiễn, GDTM cần được tích hợp với các hoạt động giáo dục khác, như khoa học, toán học và ngôn ngữ để tạo ra một trải nghiệm học tập toàn diện cho trẻ. Ví dụ, trong hoạt động đếm số, trẻ có thể sử dụng cặp đồ vật có màu sắc khác nhau để học số; trong hoạt động đọc sách và làm quen với văn học, GV có thể lồng ghép các hoạt động thẩm mĩ như vẽ tranh, kể chuyện, đóng kịch một cách sáng tạo... Tổ chức cho trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm và dự án tập thể trong lĩnh vực thẩm mĩ. Trong môi trường này, trẻ có thể biểu đạt những hiểu biết và sáng tạo của mình qua hàng trăm ngôn ngữ và thông qua các dự án do chính trẻ tham gia từ bước đầu tiên.

- Khuyến khích sự tự do sáng tạo trẻ: Thay vì áp đặt các hoạt động thẩm mĩ cố định, GV nên quan sát, lắng nghe trẻ để hiểu rõ sở thích và năng khiếu của từng trẻ, tôn trọng và nhìn nhận trẻ em là những cá nhân giàu tiềm năng, chủ động, sáng tạo. Cần tạo không gian cho trẻ tự do sáng tạo; khuyến khích trẻ lựa chọn các hoạt động thẩm mĩ theo ý thích của mình. Tôn trọng ngôn ngữ thể hiện đa dạng của trẻ, không giới hạn trẻ bởi quy tắc hay mục tiêu cụ thể nào để trẻ được tự do thể hiện tiềm năng sáng tạo. Khuyến khích trẻ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo bằng cách sử dụng các kĩ thuật mới lạ; khơi gợi để trẻ đối thoại, đặt câu hỏi về quy trình và sản phẩm nghệ thuật.

- Tạo cơ hội cho phụ huynh tham gia vào quá trình GDTM của trẻ bằng cách chia sẻ thông tin về các hoạt động và dự án mà trẻ tham gia; khuyến khích phụ huynh đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động trải nghiệm, đồng thời tạo ra môi trường sáng tạo tại nhà để tiếp tục phát triển sở thích của trẻ.

- GDTM thông qua trải nghiệm theo định hướng “lấy trẻ làm trung tâm”. Tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm để trẻ có cơ hội khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh: + Hoạt động vẽ, tô màu, xé dán, gấp giấy, làm đồ chơi từ vật liệu tái chế nhằm giúp trẻ phát triển kĩ năng thẩm mĩ, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy logic; + Trải nghiệm và thực hành nghệ thuật truyền thống như điêu khắc với đất sét, vẽ tranh dân gian… nhằm giúp trẻ hiểu và cảm thụ giá trị văn hóa truyền thống; + Thực hành hóa trang đơn giản hoặc lựa chọn, sáng tạo trang phục để tham gia các hoạt động vui chơi và trình diễn; + Tổ chức các hoạt động liên quan đến âm nhạc và trình diễn như hát, nhảy, múa theo nhạc, sử dụng nhạc cụ, đóng kịch nhằm giúp trẻ phát triển kĩ năng vận động, cảm nhận âm nhạc từ giai điệu đến nhịp điệu; + Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tham quan các phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng, chiêm ngưỡng các kiến trúc, các di sản văn hóa… để trẻ có cơ hội khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật đương đại và truyền thống.

- Đánh giá sự tiến bộ và nỗ lực của trẻ. Thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng, cần đánh giá quá trình hoạt động thẩm mĩ của trẻ và cung cấp phản hồi tích cực để khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ ở trẻ. Trong quá trình hoạt động thẩm mĩ của trẻ, GV không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người động viên, khích lệ để phát triển sự tự tin và nuôi dưỡng hứng thú sáng tạo nghệ thuật ở trẻ.

3. Kết luận

Bài báo phân tích vai trò và lợi ích của hoạt động GDTM đối với sự phát triển của trẻ và đề xuất một số cách thức nhằm nâng cao hiệu quả GDTM cho trẻ. Tuổi mầm non là thời kì phát cảm của những cảm xúc thẩm mĩ, vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho việc GDTM cho trẻ nhằm hướng trẻ biểu đạt cảm xúc, phát triển năng lực nhận thức, trí tuệ, khơi dậy khả năng sáng tạo tiềm tàng và độc đáo ở trẻ. GDTM là một hoạt động chủ đạo ở độ tuổi mầm non, góp phần vào hiệu quả phát triển toàn diện cho trẻ; do đó tạo cho trẻ các trải nghiệm sáng tạo trong quá trình hoạt động thẩm mĩ là hết sức quan trọng và cần thiết.

Tài liệu tham khảo

Boughton, D. (1999). Visual arts education. In M. Ben-Peretz, S. Brown, & R. Moon (Eds.), International encyclopedic dictionary of education (pp. 1-9). London, England: Routledge.

Bộ GD-ĐT (2021). Chương trình Giáo dục mầm non (ban hành kèm theo Thông tư hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Bruner, J. (1990). Acts of meaning. Harvard University Press.

Edwards, C., Gandini, C., & Forman, G. (2012). The hundred languages of children: The Reggio Emilia approach Advanced reflections. Pareager Publisher.

Fitri, A. R. (2020). Early Children Education Management in Integrated Kindergarten of Mutiara Bunda Learning Management to Develop the Potential of Early Childhood. Proceedings of the International Conference of Early Childhood Education, 125-128.

Hà Nguyễn Kim Giang (2002). Phương pháp kể sáng tạo truyện cổ tích thần cho trẻ mẫu giáo. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Heston, S. (1993) The Dorothy Heathcote archive. Manchester Metropolitan University. http://www.did.stu.mmu. ac.uk/dha/hcheston.asp

Ikhtiyorovna, N. B. (2020). Aesthetic education and methods of aesthetic development in children with disabilities. Middle European Scientific Bulletin, 3, 4-6. http://doi.org/10.47494/mesb.2020.3.17

Lã Thị Bắc Lý (2013). Văn học thiếu nhi với giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm.

Lê Thanh Thủy (2004). Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non. NXB Đại học Sư phạm.

Lê Thị Ánh Tuyết, Lã Thị Bắc Lý (2011). Giáo trình Phương pháp đọc, kể diễn cảm thơ, truyện cho trẻ em lứa tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm.

Lilly, K. V., & Sudhakar, V. (2021). Artistic and aesthetic appreciation in children. International Journal of Scientific Publications and Research, 11(1), 112-118. http://doi.org/10.29322/IJSRP.11.01.2021.p10911

Mukhametshin, A. A., Ushakova, O. B., Mubarakshina, F. D., & Siluyanichev, A. M. (2020). Developing Creativity in Preschool and School Children. Journal of Global Education Research, 8(12A), 7741-7747. http://doi.org/ 10.13189/ujer.2020.082561

New Zealand Ministry of Education (1996). Te Whāriki. He whāriki mātauranga ngā mokopuna o Aotearoa: Early childhood curriculum. Wellington, New Zealand: Learning Media.

Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên), Đinh Văn Vang, Nguyễn Thị Hoa (1996). Tổ chức, hướng dẫn trẻ mẫu giáo chơi. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Sinh (2013). Giáo dục học mầm non. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Phạm Thị Hòa (2015). Phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc. NXB Đại học Sư phạm.

Phan Thanh Long (chủ biên), Trần Quang Uẩn, Nguyễn Văn Diện (2006). luận giáo dục. NXB Đại học Sư phạm. Republic of Singapore Ministry of Education (2013). Nurturing Early Learners: A Curriculum for Kindergartens in Singapore - Aesthetics and Creative Expression. http://www.moe.gov.sg/education/preschoool

Samuelsson, I. P., Sheridan, S., & Hansen, M. (2013). Young children’s experience of aesthetics in preschool. University of Gothenburg, Sweden. https://doi.org/10.7577/nbf.457

Trịnh Văn Biều, Phan Đồng Châu Thủy, Trịnh Lê Hồng (2011). Phương dạy học dự án - từ lí luận đến thực tiễn. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 28, 3-12.

Vũ Dương Công, Lê Đình Bình, Đặng Hồng Nhật (2017). Giáo trình thuật. NXB Đại học Sư phạm. Wurm, J. P. (2005). Working in the Reggio Emilia way. Redleaf Press.

Zhytnik, T., Liapunova, V., Varina, H., & Kobylnik, L. (2022). Artistic and aesthetic senior preschool age сhild development: Organizational and management block. Revista de Tecnología de Información y Comunicación en Educación, 16(3), 285-293. https://doi.org/10.46502/issn.1856-7576/2022.16.03.21

[Tạp chí Giáo dục, Tập 24, số 11 (tháng 6/2024)]

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính