Vụ hàng trăm trẻ nghi ăn thịt 'bẩn': Hơn 1.200 trẻ ở Bắc Ninh tiếp tục lên Hà Nội khám

Vì lo sợ con cái bị nhiễm sán lợn, hàng trăm phụ huynh đến từ nhiều xã ở Thuận Thành, Bắc Ninh tiếp tục đưa con lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương khám.

Hàng trăm phụ huynh ở Thuận Thành, Bắc Ninh đưa con tới khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương sáng 16/3.

Hơn 1.200 trẻ đều ăn bán trú do công ty Hương Thành cung cấp

Chiều 16/3, thông tin từ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sáng nay có thêm gần 500 trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tới khám, xét nghiệm sán lợn. 

Các gia đình đưa con tới khám đến rất sớm, các bác sĩ huy động tới 6/8 phòng khám để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm, khám của các bé.

Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương sáng nay cũng tiếp nhận thêm khoảng 800 bé ở Thuận Thành tới khám. 

"Tuy là thứ Bảy nhưng để phục vụ tốt cho nhân dân, viện đã huy động toàn bộ lực lượng các y bác sĩ tại các phòng khám, các máy xét nghiệm làm việc song song liên tục. Thậm chí, viện còn phải căng thêm bạt ngoài sân tăng cường ghế ngồi để phục vụ người dân tới khám", ông Nguyễn Quang Thiều - Phó viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết.

Trong số nhiều phụ huynh đưa con tới khám, không phải trường hợp nào cũng ở xã Thanh Khương, mà ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Thuận Thành.

Lý giải điều này, chị Đặng Thị Phương (thị trấn Hồ) cho biết: "Tôi có 2 con đều học trường mầm non, ăn trưa ở trường. Khi nghe tin đơn vị cung cấp thịt cho trường mầm non Thanh Khương cũng cung cấp cho trường mầm non ở Thị trấn Hồ và nhiều trường khác trong huyện, nên vội vàng đưa con đi khám ngay. Nếu phát hiện bệnh còn kịp thời điều trị".

Dự kiến trong cuối giờ chiều nay sẽ có kết quả xét nghiệm của một số bé.

Phát hiện bệnh muộn sẽ khiến trẻ không phát triển thể lực

Bắc sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Nhiễm sán lợn là bệnh không cấp tính, ký sinh trùng đa bào nên không gây triệu chứng sốt, các cháu không có biểu hiện về mặt lâm sàng, tuy nhiên nếu nhiễm trong thời gian dài dẫn tới rối loạn tiêu hóa, không phát triển thể lực.

Có một số cháu bị rối loạn tiêu hóa, bệnh viện tư vấn kiểm tra và phân tích thêm. Đại bộ phận các cháu xét nghiệm hoàn toàn bình thường và đã trở về nhà.

GS Kính cũng cho biết, phác đồ điều trị diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày, tiêu diệt hết trứng trong ruột phải 2 tuần, Khoa Nhi của bệnh viện sẽ tư vấn điều trị, các cháu không cần phải nằm viện, về nhà uống thuốc trong 15 ngày sẽ tiêu diệt sạch sán. 

“Bệnh không phải cấp tính đến tính mạng, hoàn toàn chữa khỏi trong 2 tuần nên các phụ huynh phải hoàn toàn bình tĩnh. Chúng tôi khuyến khích người dân có nghi ngờ nên đến bệnh viện để xét nghiệm. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đầy đủ máy móc, kỹ thuật hiện đại để xét nghiệm chính xác và cho kết quả nhanh”- GS Kính nói.

GS Kính cũng cho biết thêm, về nguồn gốc gây bệnh, mầm bệnh có thể có trong đất trong nước, thực phẩm... Có nhiễm trong thịt lợn hay không thì viện không thể kết luận.

Trước đó như Gia Đình Mới đưa tin, sau sự việc phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương phát hiện món thịt lợn trong bữa ăn của trẻ ở trường có dấu hiệu của bệnh sán gạo, người dân rất hoang mang đưa trẻ đi xét nghiệm, khám sức khỏe.

Ngày hôm qua 15/3, trong số gần 400 học sinh của Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương có 62 trẻ được xác định bị nhiễm bệnh sán lợn.

 

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan