Vụ giáo viên Mầm Xanh bạo hành trẻ: Tổn thương tâm lý đối với trẻ sẽ theo suốt đời

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng tổn thương về sức khỏe có thể có thể chữa khỏi nhưng tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo các em đến suốt cuộc đời.

Bảo mẫu đánh liên tiếp vào chân các bé. Ảnh cắt từ clip của TuoitreTV

Tổn thương về tâm thần thì không ai có thể giám định

Mới đây, dư thêm một lần nữa xôn xao, lo lắng khi tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, Q.12, TP HCM) diễn ra tình trạng bạo hành trẻ nhỏ.

Theo đó, các cháu liên tục bị các cô giáo tại đây bạo hành. Điển hình như một buổi sáng, tại cổng lớp, bà Phạm Thị Mỹ Linh (hơn 40 tuổi) - chủ cơ sở mầm non này đã giơ tay đánh liên tiếp vào một bé trai và ‘dạy’ bé này vòng tay lại ‘chào cô’. Bé khóc nức nở vừa vòng tay chào thì bà Linh đánh thêm mấy cái.

Trưa cùng ngày, một bé gái ngồi tại khu vực các ‘bảo mẫu’ đang lau nhà, bà Linh từ phía sau đi lên cầm bình nhựa đập bôm bốp vào vai và đầu bé khiến bé khóc thét.

Đây không phải lần đầu những sự việc trẻ bị bạo hành, đánh đập được phát hiện, bởi trước đó, chưa đầy một tháng, tại Hà Nội, một vụ mẹ kế là cô giáo đánh con riêng của chồng khiến dư luận chưa kịp lắng xuống thì nay vụ việc này lại tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ nhỏ.

Hay một vụ việc khác như đầu năm 2017 trên một số trang mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài chừng 2 phút ghi lại sự việc cô giáo mầm non cầm dép đánh học sinh, chửi mắng học sinh gây phẫn nộ dư luận.

Trong đoạn clip ghi lại hình ảnh cô giáo mặc áo logo trường mầm non S.V. cầm dép đánh vào đầu một bé trai. Sau đó, cô giáo nhiều lần quát mắng, tát học sinh này.

Ngay sau khi clip được đăng tải lên mạng xã hội, đã thu hút được rất nhiều người, đa phần mọi người đều cảm thấy bất bình, phẫn nộ trước hành động của những giáo viên trong đoạn clip đăng tải.

Những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ xảy ra không ít, dù bị phát hiện và đã có những hình thức xử phạt với những đối tượng bạo hành trẻ nhỏ nhưng những tổn thương về tâm lý của các em là điều không thể tránh khỏi.  

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho hay: ‘Tôi rất lấy làm lo ngại về tình trạng trẻ nhỏ bị bạo hành như hiện nay. Và điều đáng lưu tâm nhất chính là sức khỏe tinh thần của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Về mặt tinh thần, thì trẻ sẽ bị sợ hãi tột bậc mà đặc biệt đối với những trẻ thần kinh yếu có thể bị trầm cảm, sang chấn tâm lý hoặc có thể bị động kinh sau này.

Và chắc chắn với những tổn thương đó thì không một ai, không thầy thuốc hoặc phụ huynh hoặc nhà giám định thương tật nào có thể giám định được sự tổn thương đó về mặt tinh thần của các em.

Tôi đã từng chứng kiến có rất nhiều em nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý suốt đời vì đã từng bị bạo hành’.

Những vết thương trên da thịt có thể sẽ được chữa lành, tuy nhiên những tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo các em đến suốt cuộc đời mà không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Để tránh những tổn thương tâm lý bác sĩ An khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý đến con nhiều hơn, ôm ấp, vỗ về con để trẻ thấy được sự yêu thương của gia đình và của người thân.

Đặc biệt, nếu thấy xuất hiện những triệu trứng như bị nôn trớ, khóc thét, bỏ bú, giật mình khi ngủ cần đưa bé đi khám để kịp thời có phương pháp điều trị giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng.

Câu chuyện bạo hành trẻ nhỏ khi nào đến hồi kết?

Dù đã có không ít những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ bị ‘phanh phui’ nhưng trên thực tế vẫn liên tục xảy ra những vụ việc tương tự.

Điều này đã đặt ra một câu hỏi rằng, phải chăng hình thức xử phạt của những hành vi này chưa đủ răn đe? Và cho đến khi nào thì câu chuyện bạo hành trẻ nhỏ sẽ đến hồi kết?

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ An cho biết: ‘Trong Bộ Luật Trẻ em ban hành năm 2016 có quy định rõ ràng về các hành vi nghiêm cấm gây hại đến trẻ nhỏ. Cụ thể trong trường hợp của các bé tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh thì các cô ‘bảo mẫu’ đã vi phạm Mục 3 Điều 6 của Luật Trẻ em là ‘Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

Như vậy, theo khung hình phạt của Nghị định 91/2011/NĐ-CP, ‘Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em’ thì trường hợp của các bé theo học tại đây, các cô ‘bảo mẫu’ có thể sẽ bị xử lý theo Khoản a, Mục 1, Điều 13 của Nghị định này. Cụ thể, cô D. có thể sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trên.

Và nếu ở trường hợp thương tích của cháu bé quá 11% thì trường hợp này các cô ‘bảo mẫu’ có thể bị khởi tố hình sự’.

Bên cạnh đó, bác sĩ An cũng cho rằng để tình trạng này xảy ra cũng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

'Khi xem những clip đó, tôi nghĩ phải truy cứu trách nhiệm liên đới Chủ tịch UBND Phường Hiệp Thành khi mà để một cơ sở mầm non tư thục hoạt động và xảy ra tình trạng bạo hành trẻ nhỏ nhưng phía phường không hề nắm được.

Thứ hai là cần phải truy cứu trách nhiệm của Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo, vì đây là cơ quan quản lý về mặt chuyên môn của các cơ sở dạy học, hơn thế nữa Phòng Giáo dục đã nói là vừa đi kiểm tra cơ sở mầm non tư thục đó nhưng không phát hiện được gì. Tại sao một cơ sở mầm non bạo hành trẻ nhỏ lại có thể hoạt động như vậy?

Thứ ba là trách nhiệm của Hội Phụ nữ, tổ dân phố tại sao lại không can thiệp khi tình trạng bạo hành trẻ nhỏ được báo chí phản ánh là xảy ra thường xuyên?

Trẻ thường xuyên bị đánh, thường xuyên khóc lóc vậy mà họ không hề biết là vì lý do gì?', bác sĩ An bức xúc chia sẻ.

Cũng theo Bác sĩ An, trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, nhưng ngày càng nhiều trường hợp trẻ bị đánh đập, bạo hành xảy ra và có lẽ đã đến lúc cả cộng đồng cần lên tiếng về phản đối mạnh mẽ những hành vi trên.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan