Tại cơ quan công an, chủ cơ sở dùng phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin đã có lời khai ban đầu không được bán để sử dụng, xay ra làm cà phê bột mà dùng với mục đích khác.
Theo tờ Tuổi trẻ đưa tin, chiều tối 23-4, đại tá Lê Vinh Quy, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông xác nhận Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án dùng phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin tại cơ sở bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) theo điều 317 - Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời công an huyện Đắk Nông cũng tạm giữ 5 đối tượng, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan), Ngô Ngọc Sơn (người trực tiếp thực hiện hành vi nhuộm tẩm than pin) và một số người khác.
Cũng theo tờ Tuổi trẻ dẫn lời Đại tá Lê Vinh Quy, các hỗn hợp (phế phẩm cà phê, đá, pin) được tạo ra từ cơ sở bà Loan không được bán để sử dụng, xay ra làm cà phê bột. Bà Loan khai làm ra hỗn hợp "cà phê pin" nêu trên để bán đi làm thực phẩm.
Tuy nhiên cụ thể làm thực phẩm gì thì cơ quan công an vẫn đang đấu tranh, làm rõ. Các thông tin cụ thể sẽ được chúng tôi thông tin trong cuộc họp báo những ngày tới" – ông Quy nói.
Chiều cùng ngày, ông Ngô Xuân Lộc, chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết sáng nay sau khi nhận chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ về việc phải khởi tố vụ án phế phẩm cà phê nhuộm pin, tỉnh đã tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng gấp rút kết thúc vụ án…
Theo ông Lộc, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ một số vấn đề trong vụ cà phê nhuộm pin này, có phải sẽ thành thực phẩm hay không để giải oan cho cà phê sạch. Đó là những chỉ đạo thêm, nhằm đẩy nhanh tiến độ vụ việc.
Trước đó, vào ngày 16-4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan đang sử dụng dung dịch hỗn hợp nước, pin để ngâm tẩm, nhuộm đen hỗn hợp gồm đất, bột đá và phế phẩm cà phê.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản và niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì cùng nhiều loại dung dịch, bột pin, vỏ pin.
Tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường trong quản lý chất lượng hàng hóa, và đã nêu đích danh vụ phế phẩm cà phê nhuộm pin khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng "điều tra, khởi tố nghiêm túc" để bảo vệ quyền lợi người dân trong nước.
Ðiều 317 Bộ luật 2015 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục: gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 3 năm đến 7 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 2 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy điều luật này có bốn khung hình phạt và hình phạt bổ sung, mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 20 năm tù.