Từ cà phê nhuộm bằng pin Con Ó khiến người tiêu dùng phẫn nộ
Ngày 16/4 vừa qua, báo chí đưa tin về cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13 xã Đắk Wer, H.Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông đang pha trộn tạp chất vào cà phê.
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho đã có 12 tấn cà phê đã được nhuộm bằng pin Con Ó, 2 chậu chứa 35kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg… dùng để nhuộm đen cà phê.
Đâu là vụ việc mang tính cá biệt nhưng dấy lên sự quan tâm và bức xúc trong dư luận, bởi cà phê là loại đồ uống quen thuộc với người dân.
Cho đến 'công nghệ' luộc ngô bằng pin và hóa chất
Đây không phải trường hợp duy nhất pin được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Từ những "kinh nghiệm" truyền tai nhau, nhiều người bán hàng thiếu lương tâm đã sử dụng pin cùng với hóa chất để luộc ngô sao cho nhanh chóng và lâu thiu, hỏng.
Chợ ngã ba Bầu (ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) có hàng chục chiếc ôtô chở bắp sống mua tại rẫy về bán lại.
Bà Tám vừa nấu bắp bán, vừa bán bắp sống, cho biết, chợ ngã ba Bầu là nơi cung cấp bắp sống cho toàn thành phố. Chợ bắp lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Bà nói với người mua bắp: "Đừng có dùng mấy thứ hóa chất mà nấu rồi có ngày bị công an 'hỏi thăm' đấy”.
Bà Tám cho biết nấu bắp không sử dụng hóa chất mất nhiều công sức và thời gian nhưng "Cần phải có lương tâm của người làm nghề. Còn nếu không có lương tâm thì chỉ việc dùng hóa chất và dùng pin để nấu, bắp chín rất nhanh”.
Người bán hàng này hướng dẫn để bắp nhanh chín, khi luộc, người ta cho một hai cục pin vào nấu chung và phải canh chừng, nếu để quá lửa bắp sẽ bị nhão. Luộc như thế, bán mới có lãi. Lý do là giá bắp tại chợ đầu mối đã 1.400 đến 3.000 đồng một trái, lại không còn tươi, để lâu ngày hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường rất lâu và rất tốn nhiên liệu. Trong khi đó giá bắp luộc 2.500 đồng đến 5.000 đồng một trái.
Một số chủ lò còn sử dụng pin để nấu cho bắp nhanh chín. Công thức nấu là 200 trái bắp cho khoảng một ít hương bắp, 2-3 muỗng muối diêm và 2-3 muỗng đường ngọt, cộng một cục pin.
Khi ra lò, nhìn bắp rất tươi, thơm ngon và ngọt, người ăn rất khó phát hiện có hóa chất. Nếu muốn bắp lâu ôi thiu, chỉ cần cho chất bảo quản vào thì bắp ngày hôm nay bán không hết, mang về luộc lại vẫn thơm ngon.
Luộc bánh chưng bằng pin và cách nhận biết
Những năm trở lại đây, một số người bán bánh chưng đã thực hiện việc luộc bánh chưng bằng pin, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Theo những người bán này, bình thường để luộc chín một mẻ bánh mất khoảng thời gian từ 10 đến 12 tiếng, nhưng chỉ với một cục pin vào nồi bánh thì chỉ khoảng 2 tiếng là bánh đã chín.
Những người sử dụng pin để luộc bánh chưng cho rằng trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn. Tuy nhiên, trong pin có những kim loại nặng như: chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… đều là những chất kịch độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người. Nhiễm độc chì sẽ gây vô sinh, sảy thai, tăng huyết áp thậm chí là làm giảm chỉ số IQ của trẻ em.
Bà chủ cửa hàng bán bánh ở đường Võ Thị Sáu, quận 3 cho biết: “Chúng tôi nấu bánh công phu lắm cũng chỉ xanh vừa vừa. Cách làm xanh lá của gia đình tôi là sau khi vớt bánh tháo bớt lớp lá ngoài ra, gói lại bằng lá mới phơi héo héo, cột dây hấp sơ lại”.
Một người bán hàng trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 cho biết: “Tôi có nghe nói người bán bánh chưng bỏ pin vào nồi bánh cho lá xanh, nhanh chín và làm nếp trong”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), để nhận biết bánh chưng luộc pin, người tiêu dùng có thể chú ý đến một số đặc điểm như sau đây:
- Màu vỏ bánh: Nếu thấy chiếc bánh chưng có phần vỏ lá và bánh mướt hơn bình thường thì nên cẩn thận. Thông thường, bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống phải mất từ 8-10 giờ mới chín, khi vớt bánh thì vỏ bánh ngả màu hơi vàng nên rất khó còn màu xanh mướt.
- Trước khi mua, người tiêu dùng cần quan sát và kiểm tra kỹ vỏ bánh. Nếu vỏ bánh có chút màu đen, cầm lên không chắc tay thì rất có thể bạn đang mua phải bánh chưng luộc bằng pin.
- Vị của bánh chưng: Khi nếm bánh chưng luộc truyền thống có vị thơm ngon đặc trưng, bánh mềm dẻo, hạt gạo nếp nhuyễn hoàn toàn. Còn bánh chưng luộc với pin ăn bị kém dẻo, mất vị ngon của bánh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chọn mua bánh chưng tại những cơ sở uy tín, có thương hiệu. Nếu có thời gian thì nên tranh thủ gói bánh chưng và luộc bánh tại nhà vừa giúp Tết cổ truyền thêm ấm áp lại khỏi lo ngại các vấn đề sức khỏe.
Hoàng Ngọc VũBạn đang xem bài viết Không chỉ cà phê nhuộm bằng pin, những món ăn quen thuộc này cũng có pin 'góp mặt' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].