Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và tăng cường vị thế của phụ nữ và có những đóng góp to lớn trong cộng đồng ASEAN và quốc tế.
Năm 2020 thế giới kỷ niệm 20 năm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1325, đưa vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Năm 2020 cũng là dịp kỷ niệm 75 năm ký kết Hiến chương Hội đồng Bảo an, 25 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh, 5 năm ban hành Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cũng như là năm triển khai kiểm điểm Các hoạt động xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc.
Vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình xây dựng, gìn giữ hòa bình được Liên hợp quốc coi trọng ngay từ những ngày đầu thành lập, thể hiện qua việc thành lập Ủy ban địa vị phụ nữ vào năm 1946.
Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới được tiếp tục củng cố với việc thông qua Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979), Tuyên bố về việc tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế (1982) và tổ chức Hội nghị quốc tế về Phụ nữ tại Bắc Kinh (1995).
Từ năm 2000, vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi Nghị quyết 1325 được thông qua, lần đầu tiên ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời nhìn nhận vai trò và khả năng đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình.
Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008 - 2009, Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận mở về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về phụ nữ giai đoạn hậu xung đột. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an tập trung vào nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột; yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá việc thực hiện các nội dung của chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và kêu gọi Tổng Thư ký có báo cáo về sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hoà bình.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng tích cực đóng góp trong việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; tham gia Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa giải. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững (10/9/2020), cuộc họp lần thứ 2 của AWPR (ASEAN Women Peace Registry) dưới hình thức trực tuyến (5/6/2020), Hội thảo về Tăng cường vai trò của phụ nữ ASEAN trong thúc đẩy hòa bình bền vững và an ninh (24/11/2020)…
Trong khuôn khổ quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, góp phần tăng cường đóng góp của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.
Là quốc gia từng trải qua chiến tranh, có kinh nghiệm tái thiết hậu xung đột và có nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, đề cao quyền phụ nữ, Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các quá trình hoạch định chính sách. Nhiều phụ nữ Việt Nam ưu tú đang giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đó là: Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban dân vận Trung ương.
Tỉ lệ đại biểu nữ tại Quốc hội Việt Nam chiếm 27%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là các nhà ngoại giao, các nhà lập pháp, nhà khoa học, những người sản xuất giỏi, người có uy tín, văn nghệ sĩ tiêu biểu; hàng ngàn phụ nữ là chủ doanh nghiệp đã đóng góp cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.
Đáng chú ý, nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới được nâng lên; công tác bình đẳng giới tại Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động quan trọng này.
Chủ trương nhất quán của Nhà nước là phát huy vai trò tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật, đường lối chính sách quan trọng của Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, phụ nữ đã có những đóng góp to lớn, góp phần tạo dựng bản sắc truyền thống văn hóa cũng như xây dựng hòa bình và phát triển xã hội Việt Nam hiện đại.
Thu Hương