Từ câu chuyện cô bé 15 tuổi lên mạng xã hội “tố” bị anh rể là MC VTV bạo hành nhiều lần, chuyên gia về trẻ em cho rằng, dù trẻ làm đúng hay sai thì cha mẹ, người lớn trong gia đình cần đứng về phía trẻ.
Theo ông Trần Ban Hùng, nguyên Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển tại Việt Nam, hiện là chuyên gia độc lập về trẻ em, với những trường hợp như vậy, dù trẻ làm đúng hay sai thì cha mẹ, người lớn trong gia đình cần đứng về phía trẻ.
“Với những điều cô bé tố trên mạng xã hội là đúng thì việc người lớn trong gia đình đứng về phía trẻ sẽ giúp trẻ được bảo vệ, trẻ thấy được sự tin tưởng và có được chỗ dựa vững chắc khi gặp khó khăn, hoặc những điều tồi tệ.
Còn nếu những điều trẻ nói không đúng hay không hoàn toàn đúng thì việc cha mẹ, người thân trong gia đình đứng về phía trẻ sẽ giúp nhận thức đúng đắn, biết được cái gì sai để sửa chữa và thay đổi tốt đẹp hơn. Điều quan trọng là trẻ sẽ không cảm thấy cô đơn, không cảm thấy bị tất cả xa lánh, cả thế giới quay lưng lại với mình” – ông Trần Ban Hùng cho biết.
Ông Hùng phân tích rõ hơn về quan điểm của mình, rằng cô bé trong câu chuyện này mới 15 tuổi, đang ở độ tuổi “khó khăn”, khi tâm sinh lý đang ở giai đoạn giữa trẻ con và người lớn.
Ở độ tuổi này trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, muốn thể hiện cái tôi của mình, luôn muốn thể hiện tiếng nói riêng nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm và sự bình tâm để xử lý các tình huống.
Trẻ có thể đúng mà cũng có thể sai vì những quyết định có phần cảm tính và muốn thể hiện cái tôi của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng bởi những hành động của trẻ ở tuổi dậy thì.
Nếu quyết định đó là đúng, trẻ sẽ thêm phần tự tin, có sự quyết đoán và vững vàng hơn trong cuộc sống. Còn nếu hành động, quyết định đó là sai lầm thì đó cũng là cơ hội để trẻ học được những điều đúng đắn từ những cái sai. Bởi, chính những cái sai đó dạy trẻ về cái đúng, cái sai giúp trẻ lớn lên, trưởng thành và điềm tĩnh hơn.
Điều quan trọng là cha mẹ cần đứng về phía trẻ, giúp trẻ không thấy cô đơn, động viên, chia sẻ, giúp trẻ nhận thức đúng, sai và rút ra những bài học ý nghĩa cho cuộc sống sau này.
Đã có lúc tôi cảm thấy mình sắp mất con
Chuyên gia Trần Ban Hùng tâm sự: “Tôi cũng có con trai 15 tuổi, rất nhiều lần tôi phát điên với những hành động, việc làm của con. Con luôn muốn làm ngược lại những gì vợ chồng tôi dạy bảo. Đã có lúc tôi cảm thấy mình sắp mất con vì con quá khác xưa, không còn bám lấy tôi, thân thiết với tôi như xưa".
Ông cho hay, lúc ấy điều duy nhất có thể làm là kiên nhẫn chạy theo con để con quan tâm hơn đến sự tồn tại của mình, để kéo gần khoảng cách cha con đang từng ngày giãn ra vì con ngày càng trưởng thành, muốn thể hiện cái tôi và không cần sự chở che của người lớn.
Rất nhiều lần ông đã phải bó tay bởi sự “nổi loạn” ở tuổi dậy thì của con và chỉ biết bảo con, cả 2 cha con cần ngồi xuống để bình tĩnh suy xét lại mọi việc và tìm cách giải quyết”.
Sự “nổi loạn” của trẻ ở tuổi dậy thì nếu người lớn trong gia đình không hiểu, không nắm bắt được sự thay đổi đổi tâm sinh lý của trẻ sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí xung đột.
Người lớn có thể thiếu kiên nhẫn để giải thích, khuyên bảo. Trẻ thì muốn tự khẳng định mình đã lớn, muốn tự quyết định mọi thứ... Hai bên không đủ kiên nhẫn và bình tĩnh thì có thể va chạm.
Bên cạnh đó, ở tuổi dậy thì trẻ dành nhiều thời gian cho mạng internet. Trẻ cần thông tin có thể tra cứu trên mạng rất nhanh và có được rất nhiều đáp án cả tích cực lẫn tiêu cực. Vậy nên, cha mẹ phải là người gần gũi với trẻ trong giai đoạn này để giúp trẻ biết được thông tin nào là đúng, thông tin nào là sai, định hướng, xây dựng thông tin chính xác cho trẻ.
Một đứa trẻ được lắng nghe, được chia sẻ, luôn tin mình có chỗ dựa vững chắc trong gia đình, nhà trường thì đứa trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn trên cơ sở có thông tin, có tham vấn ý kiến của những người mà trẻ tin tưởng.
Nên dành 30 phút mỗi ngày nói chuyện với con
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng mình đang làm mọi thứ là vì con, dành cho con những điều tốt đẹp nhất, nhưng rất ít người có thể dành 30 phút mỗi ngày để nói chuyện cùng còn.
Chính vì không có thời gian trò chuyện cùng con mỗi ngày nên cha mẹ không biết con nghĩ gì, hôm nay con làm những gì, con gặp phải chuyện gì… Và khi gặp phải sự cố, gặp phải những điều tồi tệ nhất trẻ không biết tâm sự cùng ai, không biết tìm ai giúp đỡ và dẫn đến chuyện trẻ cầu cứu mạng internet.
“Trường hợp của cô bé trong câu chuyện này cũng vậy, nếu như cha mẹ, anh chị, thầy cô nói chuyện, tâm sự với bé nhiều hơn thì không có chuyện trẻ bị bạo hành nhiều lần (nếu điều đó có thật).
Nếu như trẻ nhận được quan tâm nhiều hơn từ người thân trong gia đình thì trẻ cũng không cần cầu cứu những người chưa từng gặp trên mạng xã hội. Và nếu như cô bé nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, thầy cô thì sẽ biết kêu cứu đến địa chỉ mà bé sẽ không phải chịu tổn thương về mặt tinh thần, thể xác.
Diễn biến vụ việc
Ngày 25/5, một tài khoản Facebook có tên T.D. nhận mình là em vợ MC/BTV Minh Tiệp của VTV. Theo đó, nữ sinh lên tiếng tố cáo nam MC có hành vi bạo hành, đánh đập mình trong suốt 5 năm, kể từ khi T.D học lớp 6 đến khi học lớp 10.
Trả lời báo chí, MC/BTV Minh Tiệp mong mọi chuyện không đi quá xa, bởi không muốn T.D. gặp khó khăn vì sự việc này trong tương lai. Nam MC thừa nhận có "động tay động chân" khi thấy T.D. dùng kéo dọa vợ con mình, đồng thời khẳng định em vợ hoàn toàn bình thường và hiện ở Ninh Bình.
Tối 27/5, T.D. livestream trên Facebook, đính chính một số thông tin liên quan sự việc: "Hiện tại mình ổn, rất cảm ơn ý tốt của các anh chị từ những trung tâm bảo vệ trẻ em nhưng mình/em xin phép từ chối anh chị vì em hoàn toàn bình thường ạ. Ngoài ra, việc bố mẹ mình xin giấy chứng nhận tâm thần từ bệnh viện gì gì đó là hoàn toàn không có thật. Mình mong mọi người biết đâu là đúng, đâu là sai để tránh nghe/đọc phải những thông tin đã bị thổi phồng".
Ngày 28/5, nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, đơn vị đã tạm thời cho BTV Minh Tiệp dừng việc lên sóng và dừng cả việc sản xuất các chương trình để lo việc gia đình.