Từ 1/7/2021, người ngoại tỉnh không đăng ký tạm trú tạm vắng sẽ thành... vô gia cư

Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 01/7/2021, nếu không đăng ký tạm trú tại thành phố nơi đang sinh sống và làm việc, những người ngoại tỉnh có thể sẽ bị xóa đăng ký thường trú ở quê.

Không đăng ký tạm trú tạm vắng sẽ bị xóa thường trú

Luật Cư trú 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Luật này có rất nhiều điểm mới liên quan đến tạm trú, thường trú của người dân.

Trong đó, điểm d khoản 1 Điều 24 của Luật này quy định một trong những trường hợp bị xóa đăng ký thường trú là:

"Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng".

Như vậy, nếu đã rời khỏi nơi đăng ký thường trú từ 01 năm trở lên thì phải đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống và làm việc; hoặc là phải khai báo tạm vắng tại nơi đăng ký thường trú. Nếu không thực hiện một trong hai nghĩa vụ này, người dân sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Ví dụ: Chị M quê ở Hà Giang, đăng ký thường trú tại Hà Giang. Chị M đi học đại học và làm việc, sinh sống tại Hà Nội. Nếu chị M bắt buộc phải khai báo tạm vắng ở quê nhà (Hà Giang) hoặc phải đăng ký tạm trú tại Hà Nội (nơi đang sinh sống và làm việc). Nếu không, từ ngày 01/7/2021 - khi Luật mới có hiệu lực - chị M sẽ bị xóa đăng ký thường trú tại Hà Giang.

Quy định nêu trên tác động mạnh mẽ tới phần đông những người ngoại tỉnh đang làm việc và sinh sống ổn định, lâu dài tại các thành phố lớn, nhưng chưa đăng ký tạm trú tại đây, cũng như chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng ở quê nhà - nơi đang có hộ khẩu thường trú.

Người ngoại tỉnh cần làm tạm trú tạm vắng nếu không sẽ bị xóa thường trú.

Thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký tạm trú

Thủ tục khai báo tạm vắng

Theo Điều 31, người khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Nội dung khai báo tạm vắng bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng khi có yêu cầu.

Thủ tục đăng ký tạm trú

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú

1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan