Nghị định 157/2018/NĐ- CP quy định điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2019). Mức lương tối thiểu trên 4 vùng lương sẽ được tăng thêm như thế nào?
Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trên 4 vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2019, như sau:
Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. (Tăng thêm 200.000 đồng so với mức của năm 2018).
Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. (Tăng thêm 180.000 đồng so với mức của năm 2018).
Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. (Tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).
Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. (Tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.
Nghị định 157/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Đối tượng điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/1/2019
Theo dự thảo, những đối tượng sau được tăng lương theo quy định:
Người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2012 có mức lương hiện hành thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới (mức lương tối thiểu vùng 2019);
Người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2012 có mức lương hiện hành bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới nhưng được người sử dụng lao động xem xét nâng lương cho phù hợp với thang lương, bảng lương mới của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý là Nghị định này cũng đã thay đổi mức lương tối thiểu vùng ở một số địa phương. Cụ thể tại tỉnh Tiền Giang: huyện Châu Thành từ vùng III lên vùng II; huyện Tân Phước từ vùng IV lên vùng III;
Tại tỉnh Bắc Ninh: huyện Gia Bình, Lương Tài từ vùng III lên vùng II;
Tại TP Hải Phòng: huyện Cát Hải, Kiến Thụy từ vùng II lên vùng I;
Tại tỉnh Thanh Hóa: thành phố Sầm Sơn từ vùng IV lên vùng III;
Tại tỉnh Quảng Bình: thành phố Đồng Hới từ vùng III lên vùng II; Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn từ vùng IV lên vùng III;
Tại tỉnh Bình Dương: huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo từ vùng II lên vùng I.