Theo Ths. Bs Dương Văn Tâm (Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ Trẻ em – Bệnh viện Châm cứu Trung Ương) cho biết, từ đầu mùa lạnh đến nay, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 20 ca bệnh nhân liệt dây thần kinh ngoại biên số 7, trong đó quá nửa là trẻ nhỏ.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, Ths. Bs Dương Văn Tâm cho biết, liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 mà dân gian hay gọi là méo miệng xảy ra bất cứ ở độ tuổi nào và bất cứ thời điểm nào, kể cả vào mùa hè nếu để lạnh do nằm điều hòa. Bệnh chủ yếu do 3 nguyên nhân: nhiễm lanh, nhiễm virut (viêm họng virut, zona thần kinh), bị tai nạn chấn thương nền sọ.
Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh, đa phần bệnh hay gặp là do lạnh. Nhất là mùa đông, thời tiết giảm sâu kéo theo những đợt rét đậm, rét hại sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh nhân méo miệng.
Trong số đó phải kế tới trẻ em có nhiều nguy cơ mắc bệnh vì trẻ thường phải đi học từ sáng sớm. Cha mẹ hay cho trẻ ngồi phía trước, không đeo khẩu trang, dễ bị gió lùa, gió tạt.
BS Tâm chia sẻ, khi gặp lạnh khiến tổ chức xung quanh dây thần kinh số 7 ngoại biên trở nên phù nề tạo sức ép gây liệt dây thần kinh. Từ đó gây ra bệnh với các biểu hiện như miệng méo, khó nói, biến giọng, không thể huýt sáo, thổi lửa, mắt nhắm không kín. Ngoài ra, khi ăn, bệnh nhân sẽ gây rơi vãi thức ăn, đồ uống ở bên mép bị liệt.
‘Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ thường cho trẻ đến các bệnh viện Tây y để chụp chiếu, nhất là chụp cộng hưởng từ. Tuy nhiên, phụ huynh không cần làm như vậy. Khi gặp trường hợp này nên đến với châm cứu Đông y càng sớm càng tốt để có thể điều trị bệnh dứt điểm, nhanh nhất.
Vì khi cơ mặt bị liệt, ta phải phục hồi chức năng cho nó. Đông y có rất nhiều phương pháp điều trị căn bệnh liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 như dùng điện châm, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, chiếu tia tử ngoại thay cho cứu ngảu và tập các động tác chủ động’, Ths. Bs Tâm nói.
Ngoài ra, nhiều người khi thấy con bị liệt cơ mặt tìm đến phương pháp chữa mẹo, chữa dân gian truyền miệng như áp đuôi lươn, đắp lá… Bs Tâm cho rằng: ‘Với những phương pháp dân gian vớ vẩn đó, chúng không có tác dụng chữa bệnh, chưa kể nó phản khoa học’.
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên giữ ấm cơ thể, không tập thể dục vào sáng sớm, không tắm nước lạnh vào tối muộn, ngủ phòng kín gió.
Riêng với trẻ nhỏ, ngoài các điều trên, phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ ngồi trước xe, không ủ ấm trẻ quá kĩ khiến trẻ ra mồ hôi.
Khi cho trẻ chơi, nên chọn nơi không có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh.
Cơ thể khỏe sẽ hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến virut, vi khuẩn có hại gây ra tình trạng nhiễm trùng cũng có thể gây ra bệnh liệt dây thần kinh ngoại biên số 7.
Dây thần kinh số 7 là gì?
Dây thần kinh số 7 gọi là thần kinh mặt là một dây hỗn hợp có nhiều chức năng về vận động, cảm giác, vị giác.
Các sợi vận động, xuất phát từ hai nhóm nhân thần kinh mặt đi đến vận động các cơ bám da mặt và cổ. Cử động các cơ này biểu lộ trạng thái cảm xúc như: vui buồn, tức giận…và một số động tác khác.
Do đặc điểm giải phẫu – chức năng viêm dây thần kinh số 7 có 2 kiểu: trung ương và ngoại biên. Liệt thần kinh mặt ngoại biên thì nửa mặt cùng bên bị liệt hoàn toàn.
Ngoài ra khi liệt dây thần kinh số 7 sẽ ảnh hưởng đến bài tiết tuyến lệ, tuyến nhầy niêm mạc mũi, miệng, hầu và các tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi, cảm giác, vị giác 2/3 trước lưỡi.