Ông bác sỹ 28 năm tìm lại ‘sự sống’ cho trẻ liệt vận động, ngôn ngữ

Và bằng cách kết hợp các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp… Th-BS Dương Văn Tâm trong 28 năm đã miệt mài giúp các bệnh nhi phục hồi lại các chức năng của cơ thể.

tre-liet-van-dong4

 Bác sỹ Dương Văn Tâm đang châm cứu điều trị cho trẻ bị liệt vận động, ngôn ngữ

Những chiếc kim châm giúp trẻ liệt vận động biết đi, biết nói cười

Khởi đầu ngày làm việc mới với việc đi thăm các bệnh nhi của mình đã trở thành thói quen duy trì suốt 28 năm qua của Th-BS Dương Văn Tâm (Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương).

Những câu hỏi đầu giờ sáng khi bác sỹ Tâm gặp người nhà bệnh nhi thường là ‘hôm qua con ngủ có ngoan không?, đã đi lấy cháo cho con chưa?’...

Đây là cách riêng mà bác sỹ Tâm quan tâm, đối xử với bệnh nhi và người nhà bệnh nhi của mình, để họ cảm thấy gần gũi, an tâm đến khám chữa bệnh.

Sau màn chào hỏi buổi sáng, bác sỹ Tâm sẽ cùng với đồng nghiệp của mình mang theo thuốc điều trị và các dụng cụ y tế đến từng phòng thăm khám và điều trị.

Công việc của ông là giúp các cháu tìm lại tiếng nói, bước đi của mình. Đối với nhiều gia đình, việc này  đem lại ‘sự sống’ cho các bạn nhỏ.

Ở trong phòng điều trị, nhìn bé Minh Trí (4 tuổi, ở TP. Bắc Ninh) đi lại loạt bát, nói cười và hát véo von không ai nghĩ hơn 1 tháng trước bé phải nằm liệt giường, chân tay co quắp, không nhận thức và không nói được.

Trước đó Minh Trí bị viêm họng, sốt cao và uống thuốc theo sự chỉ định của một bác sỹ tại phòng khám gần nhà. 3 ngày sau bé sốt cao dẫn đến mê sảng thì gia đình mới đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vì không được điều trị bệnh sớm nên Minh Trí bị liệt vận động, không thể nhận thức và không thể nói chuyện. Với hy vọng còn nước còn tát, gia đình tìm đến phương pháp phục hồi chức năng của Đông y để thử vận may.

Và bằng cách kết hợp các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp… bác sỹ Tâm đã giúp Minh Trí phục hồi lại các chức năng của cơ thể.

tre-liet-van-dong3

 Bé Hưng Thuận đã có thể đi lại, ôm quả bóng chơi đùa sau một thời gian phục hồi chức năng bằng các liệu pháp của Đông y

Đồng cảnh ngộ với bé Minh Trí là trường hợp của bé Nguyên (13 tháng tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội). Trước đó bé Nguyên bị viêm dây thần kinh ngoại biên dẫn đến liệt tứ chi.

Gia đình Nguyên đã điều trị cho cháu ở nhiều nơi nhưng không mấy tiến triển. Sau đó gia đình tìm đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương để phục hồi chức năng cho bé bằng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp… của Đông y.

Mẹ bé Nguyên chia sẻ: ‘sau 3 đợt điều trị bằng các liệu pháp của Đông y, sức khỏe của cháu tốt hơn trước, tay chân khỏe lên và cử động tốt hơn’. Nhìn con quơ tay nghịch điện thoại, đồ chơi, chân đạp xuống giường có lực mẹ bé Nguyên phấn khởi ‘khoe khoang’ với mọi người xung quanh.

Trường hợp của bé Hưng Thuận (9 tuổi, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cũng khá đặc biệt. Bé bị đuối nước và rơi vào tình trạng chết não.

Cứ tưởng rằng Thuận sẽ phải sống cuộc sống thực vật suốt cuộc đời còn lại nhưng phép màu từ những cây kim châm đã giúp Thuận đi lại, chạy nhảy được.

Bà nội Thuận cho biết: ‘mặc dù cháu chưa nói được, trí não chưa hoạt động bình thường nhưng cháu có thể đi lại, vận động bình thường là chúng tôi đã rất vui rồi’.

Hạnh phúc giản đơn đến từ những món quà nhỏ

bac-sy-duong-van-tam2

 Những cử chỉ ân cần, những món quà nhỏ động viên của bác sỹ Tâm giúp bệnh nhi và người nhà bệnh nhi có thêm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng

Việc các bé tại khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em có thể vận động, đi lại, nhận thức, nói cười... đối với bác sỹ Tâm cũng như người thân của các bé giống như phép màu kỳ diệu.

Bà ngoại Minh Trí chia sẻ, ‘gia đình đưa bé đi điều trị bằng biện pháp Đông y cũng không đặt hy vọng quá nhiều.

Bởi trước đó cháu đã được điều trị bằng nhiều cách, uống nhiều loại thuốc nhưng không tiến triển. Thật may mắn lần này cháu hợp thầy, hợp thuốc và có được kết quả điều trị bất ngờ’.

Không chỉ giúp trẻ liệt vận động, ngôn ngữ có thể đi đứng, nói cười, bác sỹ Tâm còn thường xuyên phối hợp với tổ công tác xã hội của bệnh viện mang đến cho các cháu những món quà nhỏ nhiều ý nghĩa.

Đó đơn giản chỉ là những quả bóng, đồ xếp hình, cầu trượt, tranh ảnh trang trí… nhưng lại là thế giới ‘cổ tích’ của bé.

Và để tạo dựng được khu vui chơi cho các cháu với nhà bóng, cầu trượt, xe lắc, xe đạp… ngoài hành lang của khoa, bác sỹ Tâm phải mất hơn 1 năm kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp.

Bên cạnh đó là những suất quà, hộp sữa, bữa cháo… bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ cho thêm phần đa dạng.

Mẹ của một bệnh nhi giơ lên 2 hộp sữa bột trẻ em vui vẻ khoe rằng: ‘bác sỹ Tâm vừa xin được từ công ty sữa cho các con đấy. Mỗi bé được 2 hộp sữa bột để ăn thêm’.

Rồi chị lại than nhỏ, ‘sắp Trung thu rồi, không biết bác Tâm có xin được quà cho các con không, năm ngoái bác xin cho mỗi bé một suất quà. Có bé bệnh nặng, nhà khó khăn còn được thêm cả tiền nữa…’.

bac-sy-duong-van-tam3

 Một dịp Trung Thu vui vẻ của bác sỹ Tâm và bệnh nhi của mình tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương

Không những vậy, bác sỹ Tâm còn là ‘người bạn lớn tuổi’ của các bé. Ngoài thời gian chữa bệnh, bác sỹ Tâm và các y bác sỹ trong khoa còn thường xuyên chơi cùng các cháu.

Các trò chơi đập tay, chơi bóng, chơi xe lắc, kể chuyện, đố vui… là những trò thường diễn ra giữa bác sỹ Tâm với các bệnh nhi trong khoa. Những câu nói đùa như ‘ông Tâm đẹp trai nhất’, ‘ông Tâm đẹp trai không’, ‘chào ông Tâm đẹp zai nào’… là những câu giao tiếp ‘riêng’ giữa các bệnh nhi và bác sỹ Tâm.

Đây cũng là cách mà ‘ông bác sỹ đầy tâm huyết’ dạy các bệnh nhi tập nói, tập nhận thức. Bởi, vừa chữa bệnh vừa vui đùa sẽ giúp các cháu không bị căng thẳng, áp lực và sợ hãi.

tre-liet-van-dong2

 Bác sỹ Tâm chơi đùa cùng bệnh nhi ngoài giờ chữa bệnh để giúp các bé tập vận động, tập nói, tập nhận thức

Vị bác sỹ này tâm sự: ‘các bé đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, việc điều trị bệnh phải kiên trì lâu dài.

Thời gian các bé ở viện nhiều hơn ở nhà, do đó cần tạo môi trường vui vẻ, sạch đẹp để các cháu không ghét bệnh viện, ghét bác sỹ’.

Nhờ vậy mà bác sỹ Tâm có thể gần gũi hơn với bệnh nhi và người nhà của các cháu. Khiến cho người nhà các bệnh nhi tin tưởng vào liệu pháp điều trị Đông y.

Hiểu đúng về châm cứu chữa bệnh cho trẻ

Theo bác sỹ Tâm, trong Đông y, châm cứu là phương pháp điều trị gây đau cho người bệnh. Đây là điểm hạn chế của phương pháp châm cứu. Với người lớn, họ có thể ngồi yên nên khi châm vào huyệt họ thấy êm.

Nhưng với trẻ nhỏ thì khác, chúng hiếu động, chân tay không yên nên việc chúng cử động sẽ dẫn đến bị đau ở các vị trí châm kim.

Trẻ cử động làm thớ cơ co bóp, giằng xé cây kim dẫn đến đau. Nhưng chỉ một lúc sau các cháu nằm yên sẽ thấy dễ chịu, thậm chí nhiều cháu ngủ ngon khi đang châm cứu.

Hơn nữa, hình ảnh những cây kim cắm vào người đứa trẻ làm một số cha mẹ xót con, thương con nên không muốn điều trị cho con bằng phương pháp châm cứu.

Thêm vào đó, ở một số nơi có cảnh các bác sỹ giữ chặt, ‘kìm kẹp’ tay chân cháu bé để châm cứu đúng huyệt cũng làm cha mẹ bé không bằng lòng.

Và chính những suy nghĩ sai lầm đó mà một số cha mẹ phản ứng gay gắt khi thấy bác sỹ châm cứu cho con mình. Thậm chí, có người còn nói rằng châm cứu sẽ làm trẻ liệt thêm, làm trẻ tăng cơn động kinh…

Bác sỹ Tâm cho rằng, những lời nói vô căn cứ của một số người đã và đang làm ảnh hưởng đến công việc phục hồi chức năng cho các cháu bị liệt vận động, ngôn ngữ… bằng châm cứu - một phương pháp được y học thế giới công nhận là có tác dụng kỳ diệu đối với sức khỏe con người.

Đối với trẻ nhỏ sau những bệnh lý cấp tính, các cháu bị thiếu hụt, khiếm khuyết những chức năng về tâm trí, ngôn ngữ, vận động thì phương pháp phục hồi chức năng cho các cháu bằng các kỹ thuật của Đông y đem lại hiệu quả rất tốt.

Các kỹ thuật của Đông y như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, cứu ngải… đều có tác dụng phục hồi chức năng cho trẻ. 

Linh Ly

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính