Một trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram vừa được xuất viện về với gia đình.
Sau nhiều năm điều trị hiếm muộn, vợ chồng chị D. rất khó khăn để có con. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi vợ chồng anh chị có tin vui, đó là một cô công chúa bé nhỏ. Thế nhưng, khi thai nhi ở tuần thứ 26, chị D. lại có dấu hiệu chuyển dạ và bị sinh non. Em bé chào đời chỉ nặng 500 gr trong khi tình trạng hệ thống hô hấp còn rất non yếu, chưa hoàn thiện. Chưa kể, bé còn có hiện tượng thở thoi thóp, tim rời rạc, phản xạ yếu. Mọi nguy hiểm cận kề trước đứa con bé nhỏ khiến vợ chồng chị D rất lo lắng.
Ngay sau khi sinh, cháu bé được các bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung Ương theo dõi, chăm sóc kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. May mắn một lần nữa mỉm cười với gia đình chị D. khi hiện sau 3 tháng bé được các bác sĩ nuôi dưỡng và chăm sóc, cân nặng của bé đạt được 2650 gram, vận động tốt và chuẩn bị được xuất viện.
TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết, trẻ cực kỳ nhẹ cân, sinh non tháng là trẻ dưới 1.000 gram và được sinh khi thai dưới 28 tuần. Với những trẻ này, tất cả cơ quan gan thận, não ruột đều non và yếu.
Chính vì thế, trẻ sinh non cực kỳ nhẹ cân gặp phải rất nhiều nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng và sức khoẻ. “Trẻ sinh non, nhẹ cân có thể bị suy hô hấp 30s - 60s có thể chết hoặc di chứng tàn tật suốt đời nên di chuyển sẽ không có cơ hội cấp cứu, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, xuất huyết phổi khó khăn nuôi dưỡng dễ viêm ruột, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hoá, vàng da….
Chưa kể, trẻ còn có thể gặp những nguy cơ lâu dài như bị bại não, tàn tật, giảm vận động, tăng động, giảm chú ý, bệnh lý võng mạng, non tháng gây mù loà, dễ nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, béo phì, còi xương….
Trước những nguy cơ trên, bệnh viện buộc phải có những kỹ thuật chăm sóc tối ưu, hồi sức tốt sơ sinh ngay từ phòng đẻ, chống tắc nghẽn hô hấp, dùng lồng ấp để giữ ấm và cách ly trẻ với môi trường bên ngoài. Đặc biệt, chống nhiễm trùng nhiều tầng cho trẻ bằng việc cách ly người nhà, sát khuẩn người nhà khi vào thăm, sát trùng phòng và sát trùng trang thiết bị y tế cũng như có máy triệt khuẩn trong phòng.
Cùng với đó, trẻ sẽ phải được nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, bệnh viện hỗ trợ dinh dưỡng kèm chiến lược ăn sữa mẹ sớm tăng dần từng ngày, cân bằng nước điện giải, đường máu và chiếu đèn điều trị vàng da.
Để cứu một trẻ sơ sinh trong tình trạng như thế phải nhờ áp dụng tổng thể kỹ thuật trên”, TS Lê Minh Trác khẳng định.
PGS. TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết, trước đó, bệnh viện đã cứu sống rất nhiều trẻ sinh non nhẹ cân như trên. Ông chia sẻ thêm, nếu như trước kia, Bộ Y tế quy định sinh khi thai dưới 34, 35 tuần là sinh non thì khoảng chục năm trở lại đây, Bộ Y tế điều chỉnh quy định trẻ sinh non là từ 22 tuần trở lên. Đó cũng như một sự thách thức của ngành sản khoá. Tuy nhiên, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương đã quyết tâm nuôi thành công các trẻ đặc biệt như vậy.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cũng cho biết, hiện nay chi phí điều trị cho một bé sinh non nặng 500 gr phải hơn 300 triệu nhưng có BHYT hỗ trợ khá nhiều. Ngoài ra, từ kết quả thự tế tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cho thấy, tỉ lệ cứu trẻ sinh non nhẹ cân tại Bệnh viện tăng từ 18% lên 37% (2011-2018). Trong khi ở các nước trên thế giới, tỉ lệ này mới trên 40%.