Liên quan đến vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, ngày 21/11 Hội đồng chuyên môn đã công bố kết luận 4 trẻ tử vong đều là trẻ sinh non và có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3-5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.
Để tìm hiểu rõ hơn việc trẻ sinh non dễ gặp phải những nguy cơ nào PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo TS Dũng: ‘Những trẻ sinh dưới 37 tuần là những trẻ sinh non. So với những trẻ sinh đủ tháng thì trẻ sinh non là những đối tượng rất dễ bị nhiễm trùng. Và đặc biệt đây là đối tượng cần phải được chăm sóc toàn diện’.
Những vấn đề trẻ sinh non thường gặp phải
Suy hô hấp
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ tử vong ở trẻ sinh non. Trẻ càng sinh thiếu tuần tuổi thì càng dễ bị suy hô hấp.
Đặc trưng của tình trạng này đó là bệnh màng trong, do sự thiếu hụt hoạt tố sunfactan, chất có chức năng giữ phế quản phổi không bị xẹp khi thở ra. Bệnh này dẫn đến triệu chứng trẻ bị tím tái, thở gắng sức, phải hỗ trợ máy thở và có thể tử vong.
Ngoài ra, phổi của trẻ sinh non cũng kém, độ giãn nở ở phổi cũng kém, trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường và dễ có cơn ngừng thở.
Dễ mắc bệnh nhiễm trùng
Trẻ sinh non thường có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch kém và lớp da bảo vệ chưa hoàn thiện nên dẫn đến tình trạng dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm ruột hoại tử…
Sản phụ sinh non không rõ nguyên nhân, vỡ ối sớm, bị sốt trong giai đoạn chuyển dạ... đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng.
Bệnh vàng da
Bệnh này vô cùng nguy hiểm, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời trẻ rất gây nhiễm độc thần kinh, để lại di chứng suốt đời và thậm chí là có thể bị tử vong.
Nguyên nhân gây nên bệnh vàng da là do gan của trẻ sinh non không được phát triển toàn diện để thực hiện đầy đủ chức năng chuyển hóa của mình.
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ sinh non sẽ thường xuyên ói, nôn trớ, trướng bụng hoặc bị tiêu chảy liên tục, ăn kém và không hấp thụ được chất dịnh dưỡng, chậm tăng cân.
Ruột của trẻ vì phát triển chưa hoàn thiện, không đủ máu, mỏng dần rồi dẫn đến bị viêm hoạt tử ruột hoặc bị thủng.
Chính vì vậy, khi trẻ có hiện tượng bị ói ra dịch xanh, trướng bụng, ăn kém thì cần tìm gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và cứu chữa kịp thời.
Bệnh xơ hóa võng mạc
Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, do trẻ bị ngộ độ oxy khi nồng độ oxy có trong máu quá cao làm cho võng mạc giãn nở và co thắt bất bình thường, gây tổn thương đến thị giác và có thể bị mù lòa nếu phụ huynh không đưa con đến khám bác sĩ đúng định kỳ.
Chậm tăng trưởng thể chất
Đây là một trong những nguy cơ mà trẻ sinh non thường gặp phải. Bệnh này có thể do mẹ thiếu sữa, sữa không đủ chất hoặc trẻ không có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng nên chậm tăng cân, không phát triển chiều cao nhưng những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác.
Các bà mẹ lưu ý cần đưa con em khám sức khỏe định kỳ, để được theo dõi cân nặng, chiều cao và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất,
Các chức năng của các bộ phận chưa hoàn chỉnh
Những trẻ sinh thiếu tháng thì chức năng gan, thận không hoàn chỉnh như đứa trẻ thường. Vì vậy mỗi khi dùng thuốc gì là phải hết sức cẩn thận để tránh gây hại đến trẻ.
Trẻ sinh thiếu tháng rất dễ bị hạ thân nhiệt
Trẻ rất dễ bị hạ thân nhiệt ngay cả khi thời tiết nóng. Nguyên nhân là lớp mỡ dưới da của trẻ quá mỏng, khả năng sản sinh nhiệt kém, trong khi sự mất nhiệt do bức xạ và bốc hơi lại rất lớn.
Trung tâm điều hóa thân nhiệt của trẻ hoạt động yếu. Nhiệt độ môi trường dễ khiến trẻ bị lạnh và phù cứng, vì lớp mỡ dưới da chứa nhiều axit béo no nên rất mau đông cứng.
Việc sưởi ấm cho trẻ sinh non cực kỳ quan trọng và cách hiệu quả nhất là người mẹ ôm trẻ vào lòng.
Chăm sóc trẻ sinh non sao cho đúng?
Việc chăm sóc trẻ sinh non cũng cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ phòng và vấn đề vô khuẩn. Bởi ngay sau khi đẻ, trẻ sinh non phải được ủ ấm, nằm trong phòng có nhiệt độ 28 - 35 độ.
Với những trẻ sinh thiếu tháng nên cho nằm trong lồng ấp, nếu không dùng lồng ấp thì ủ ấm cho trẻ theo phương pháp chuột túi (đặt áp trẻ vào ngực mẹ để da sát da).
Ngoài ra, đối với những trẻ sinh thiếu tháng càng phải vệ sinh da sạch sẽ như trẻ bình thường, do đó phải tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, xà phòng cho trẻ em, tắm nhanh, lau khô.
Mùa đông nên xoa một lớp mỏng dầu Parafin để gữi độ ẩm cho da khỏi mất nhiệt. Có nhiều bà mẹ thấy con nhỏ bé quá nên sợ không tắm cho con, điều này không tốt vì thế rất dễ làm cho da bé bị bẩn gây nhiều bệnh tật.
Chia sẻ về những lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng, TS Dũng cho hay: ‘Trong quá trình chăm sóc trẻ, việc sự vệ sinh bề mặt là một trong những điều hết sức quan trọng.
Vì khi người chăm sóc không mặc đồ bảo hộ, không rửa tay sạch… sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ do sức đề kháng ở những em bé này rất kém.
Đó là lý do tại sao, ở các bệnh viện thường sẽ hạn chế cho người thân vào thăm cũng như chăm sóc trẻ sinh non’.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Những nguy cơ về sức khỏe với trẻ sinh non và cách chăm sóc an toàn, khoa học nhất tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].