Trẻ ho, sốt, chảy nước mũi kéo dài: Nguyên nhân và những lưu ý khi điều trị

Khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa Nhi, BV Thanh Nhàn tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước. Trong đó, trẻ đến viện chủ yếu là do viêm đường hô hấp.

Trẻ nhập viện vì ho, sốt, chảy nước mũi kéo dài

Bé N.T.S. (hơn 1 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) được mẹ cho vào viện khám sau nhiều ngày sốt lai dai ở nhà. Mẹ bé S. cho biết, trước đó con chỉ húng hắng ho, nước dãi, nước mũi chảy nhiều kèm theo sốt nhẹ. Cứ nghĩ con sốt mọc răng nên mẹ chỉ cho con uống thuốc hạ sốt, siro ho nhưng con chỉ đỡ chút rồi tái lại.

Những ngày gần đây, con có biểu hiện sốt cao hơn, quấy khóc nhiều nên mẹ cho con vào viện thăm khám. Qua chụp chiếu, soi tai mũi họng thì bác sĩ phát hiện trẻ bị viêm phổi, viêm tai giữa và phải nhập viện điều trị.

Không chỉ bé S. mà còn nhiều trẻ khác cũng phải nhập viện vì ho, sốt, viêm đường hô hấp. Ghi nhận tại khoa Nhi, BV Thanh Nhàn cho thấy, các phòng bệnh dường như không còn chỗ trống, có khoảng 200 trẻ ở mọi độ tuổi khác nhau, nhiều nhất là trẻ từ 1 đến 3 tuổi đang phải nằm viện điều trị.

Nhiều trẻ phải nhập viện điều trị do mắc các bệnh đường hô hấp

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi, BV Thanh Nhàn cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước.

Trong số các bệnh nhi đến khám và điều trị có khoảng 70% trẻ bị sốt hoặc viêm đường hô hấp với các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Một số khác thì bị tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết,…

Nguyên nhân chính gây bệnh đường hô hấp cho trẻ là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus RSV nên các bác sĩ chủ yếu giảm các biến chứng cho bệnh nhi.

“Sở dĩ bệnh nhi đến viện đông là do những ngày qua thời tiết nắng nóng, cộng với việc trẻ nhỏ đã quay lại trường học. Việc trẻ nhỏ đến lớp đồng nghĩa với môi trường sinh hoạt của trẻ bị thay đổi, nếp ăn nếp ngủ cũng khác với ở nhà khiến trẻ quấy khóc, mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm dẫn đến mắc bệnh đường hô hấp” – BS Sang chia sẻ.

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi, BV Thanh Nhàn

Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh, một số phụ huynh vẫn còn tâm lý chủ quan, chậm chễ đưa trẻ đến cơ sở y tế, gặp sai lầm trong việc chăm con cũng khiến tình trạng bệnh của con nặng hơn.

Những lưu ý khi con bị ốm kéo dài

Bác sĩ cũng cho biết, sai lầm lớn nhất các mẹ thường gặp là tự ý đi mua thuốc điều trị bệnh cho con trước khi đến bệnh viện khám. Việc tự ý cho con dùng thuốc không thăm khám, không có sự chỉ định của bác sĩ có thể dẫn tới dùng sai thuốc, điều trị sai bệnh, vô tình kéo dài thời gian điều trị bệnh, thời gian chẩn đoán muộn.

Do đó, để tốt cho sức khỏe của con, bác sĩ Sang khuyến cáo, khi chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà, cha mẹ nên cho con dùng thuốc hạ sốt thông thường theo cân nặng của trẻ, chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, uống nước hoa quả (cam, dừa,…), bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu tình trạng trẻ không cải thiện cần đưa bé đến bệnh viện để khám kịp thời.

Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, cha mẹ nên cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ hai ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng thực phẩm, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ nước cho con, nhằm tạo sức đề kháng tốt, từ đó giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan