Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi

Tuổi thọ tăng, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, dự báo Việt Nam sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nỗi lo gánh nặng bệnh tật kép

Thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, hiện tại Việt Nam, trung bình một người cao tuổi trên 60 tuổi mắc tới 3 - 4 bệnh, người trên 80 tuổi có thể mắc đến 7-8 bệnh. Các bệnh người cao tuổi hay mắc chủ yếu là bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa, sa sút trí tuệ…

Hiện tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Đây là vấn đề đáng quan tâm khi dự kiến khoảng 15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.

Già hoá dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí…, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dễ trở thành gánh nặng lớn.

Bởi, khi xã hội đa số là người già thì sẽ có nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già. Xã hội sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, tăng chi nguồn lực và nhân lực cho việc chăm sóc người già.

Trong khi đó, ở nước ta, đa số người cao tuổi sinh sống ở các khu vực nông thôn, không có thu nhập ổn định. Thêm nữa, một số người già không có con cái hoặc ít con, con cái đi làm ăn xa, con cái còn nghèo… nên không được chăm sóc tốt dẫn tới bệnh tật nhiều, sức khỏe yếu... Số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao, nhưng chất lượng đời sống của người cao tuổi Việt Nam còn thấp. Do đó, cần có hệ thống an sinh xã hội tốt, hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng để giúp người cao tuổi nâng cao được chất lượng sống, giảm gánh nặng bệnh tật.

Trung bình một người cao tuổi trên 60 tuổi mắc tới 3 - 4 bệnh cùng lúc. Ảnh minh họa

Trung bình một người cao tuổi trên 60 tuổi mắc tới 3 - 4 bệnh cùng lúc. Ảnh minh họa

Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi (chiếm trên 16% dân số); có 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%). Tuổi thọ bình quân chung hiện nay là 73,6 tuổi (nam là 71; nữ là 76,4), nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đến 66 tuổi.

Giải pháp bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi

Mới đây, Bộ Y tế và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024 - 2028, nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở nước ta. Đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong thời gian sớm nhất.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang rấp rút hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Chính phủ trong quý IV/2024.

Thời gian để Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già đang đến gần. Người cao tuổi là "nguồn lực" quý của xã hội, để chăm sóc và phát huy tốt hơn nữa vai trò của người cao tuổi, tại buổi Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các cấp, các ngành chung tay, tích cực, có nhiều hành động cụ thể, thiết thực.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, chế độ, pháp luật về người cao tuổi.

Phó Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tạo mọi điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, kinh nghiệm, tham gia tích cực vào hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hy vọng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng hàng loạt các chính sách trên, công tác chăm sóc sức khỏe và đời sống người cao tuổi sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhận được quan tâm hỗ trợ thiết thực hơn nữa của toàn xã hội, bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính