Trẻ bị sốt, khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ thường lo lắng và tìm mọi cách để hạ sốt ngay cho con, thậm chí nhiều người còn vội vã đưa trẻ đi viện ngay lập tức. Làm như vậy có tốt cho trẻ, khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Theo bác sĩ chuyên khoa nhi Phí Xuân Thi, BV Sản Nhi Quảng Ninh, sốt là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Sốt không phải là bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của các căn bệnh khác.

Điều đó có nghĩa là khi cơ thể bị vi khuẩn hoặc virus tấn công, hệ thống đề kháng sẽ khởi động, từ đó khiến thân nhiệt tăng cao và gây sốt. Và như thế, sốt hoàn toàn có lợi cho cơ thể.

Thực tế, khi trẻ bị sốt nhẹ, việc duy nhất cha mẹ cần làm là theo dõi các biểu hiện và chăm sóc đúng cách, có thể dùng thuốc hạ sốt nếu cần.

Trong trường hợp trẻ sốt cao nhưng vẫn chơi đùa, hành động nhanh nhẹn... thì chỉ cần uống thuốc hạ sốt hoặc làm mát là được.

Khi trẻ bị sốt nhẹ, việc duy nhất cha mẹ cần làm là theo dõi các biểu hiện và chăm sóc đúng cách. Ảnh minh họa

Những nguyên nhân gây sốt ở trẻ

Bác sĩ Thi cho biết, có một số nguyên nhân chính có thể gây sốt ở trẻ em như:

  • Nhiễm trùng hoặc virus: một số bệnh thông thường gây sốt là viêm họng, viêm Amiđan, viêm tai, sốt phát ban, nhiễm trùng đường tiểu... Sốt cũng có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm phế quản, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn huyết.....
  • Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng.
  • Mặc quá nhiều quần áo: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, rất dễ bị sốt nếu ở trong một môi trường nóng hoặc bị ủ quá kín. Nguyên nhân là do trẻ chưa thể tự điều tiết thân nhiệt của mình.
  • Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ. Nếu thân nhiệt của trẻ cao hơn 37,8 độ C thì nguyên nhân không phải do mọc răng.

Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?

Bác sĩ Thi cho rằng, trong một số trường hợp, ba mẹ cần phải sử dụng các biện pháp hạ nhiệt tạm thời và đưa trẻ khám tại cơ sở y tế. Bởi lẽ, trẻ bị sốt, nhất là với đối tượng trẻ sơ sinh là vô cùng nguy hiểm.

Với nhiều trẻ nhỏ, sốt nếu không được xử lý kịp thời có thể gây co giật, thường gặp ở trẻ từ 6 tháng cho đến 5 tuổi và hay tái phát. Co giật có thể gây ngạt thở do làm tiết nhiều đàm gây tắc đường thở ở trẻ, có thể gây thiếu oxy nên làm tổn thương não.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt cao nên đưa đến cơ sở y tế để thăm khám. Ảnh minh họa

Do đó, trẻ bị sốt cần được thăm khám ngay nếu có một trong các yếu tố sau:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi.
  • Sốt trên 40 độ C (nhất là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi) hoặc sốt dưới 38,5 độ C nhưng kéo dài vài ngày do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Trẻ đang bệnh mà nhiệt độ tăng lên bất thường hoặc đang sốt mà bị hạ nhiệt xuống dưới 36,5 độ C.
  • Đã dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng triệu chứng sốt không thuyên giảm.
  • Trẻ bị co giật
  • Trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi (trừ khi sốt xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván và trẻ không có triệu chứng nặng nào khác).
  • Hạ sốt hơn 24 giờ rồi sốt tái phát lại.
  • Trẻ khóc không cách nào dỗ được hoặc bứt rứt nhiều quá, khóc khi cử động hoặc khi ba mẹ chạm người.
  • Trẻ nằm li bì, khó đánh thức.
  • Cổ cứng.
  • Có bất kỳ phát ban da nào.
  • Trẻ bị khó thở, và không thấy đỡ kể cả sau khi làm sạch và thông mũi.
  • Trẻ không thể nuốt thức ăn hoặc không bú được, nôn mọi thứ ra ngoài.
  • Đi tiêu ra máu, nôn ra máu.
  • Trẻ trông rất yếu và mệt.
  • Trẻ đau khi đi tiểu.

Trẻ bị sốt do nhiều nguyên nhân, vì vậy, không phải chỉ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt là được, cũng không phải tùy tiện cho trẻ dùng kháng sinh khi dùng thuốc hạ sốt mà không thấy trẻ đỡ nhiều.

Cha mẹ cần chú ý quan sát những dấu hiệu bệnh của trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời. Ngoài ra, do trẻ là đối tượng nhạy cảm nên việc kết hợp với chăm sóc, vệ sinh cho trẻ trong thời gian bị sốt là vô cùng cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong sự hồi phục của trẻ.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan