Những sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết mà nhiều người mắc phải

Đa phần bệnh nhân sốt xuất huyết nhẹ thường tự khỏi, tuy nhiên rất nhiều người gặp phải sai lầm trong quá trình điều trị bệnh dẫn đến bệnh trở nặng, thậm chí có thể tử vong.

Sốt xuất huyết không chỉ gặp ở người trẻ

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp tử vong do gặp sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết. Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân nam, 57 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước khi đến BV cấp cứu, bệnh nhân sốt 5 ngày và tự mua thuốc về nhà uống. Tại thời điểm tới viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết men gan của bệnh nhân tăng cao, bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng và được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) để hồi sức nhưng không qua khỏi.

  Người cao tuổi mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Người cao tuổi mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Theo BSCKII Nguyễn Tân Trang, Phó trưởng khoa Truyền Nhiễm, BV Đa khoa Nông nghiệp, gần đây số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại viện có dấu hiệu gia tăng đột biến.

Tính từ đầu mùa dịch thì đến giờ BV có khoảng 500 bệnh nhân đến nhập viện, nếu tính lượt khám thì con số cũng phải lên tới hàng nghìn. Cách đây khoảng nửa tháng trước con số này vẫn thấp hơn tuy nhiên gần đây số lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều và hiện tại ở khoa hơn 2/3 số lượng bệnh nhân điều trị tại khoa là sốt xuất huyết.

Tình huống bệnh nhân đến nhập viện khá đa dạng, có trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, có trường hợp mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh lý nền.

Trước đây, các trường hợp bệnh sốt xuất huyết trên người già thường rất ít nhưng trong những năm gần đây có những người già, thậm chí trên 80 tuổi vẫn mắc sốt xuất huyết.

Tính chất bệnh đã có những sự thay đổi nhất định và khi bệnh sốt xuất huyết trên những người già, những người bệnh có bệnh lý nền thì tính chất bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều và khó khăn hơn trong quá trình điều trị.

Những sai lầm cần tránh khi điều trị sốt xuất huyết

Các chuyên gia y tế cho biết, có một số sai lầm trong quá trình điều trị sốt xuất huyết mà nhiều người mắc phải dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

Tự truyền dịch tại nhà: Nhiều người có thói quen cứ hễ ốm, mệt là nhờ người truyền dịch tại nhà. Thói quen này là rất nguy hiểm, nhất là với bệnh nhân sốt xuất huyết, việc truyền nước điều trị sốt xuất huyết mà không được giám sát là một điều tối kỵ.

Trong điều trị bệnh sốt xuất huyết, thói quen tự ý truyền dịch tại nhà có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh. Trên thực tế, có những trường hợp truyền dịch không sao, nhưng có những trường hợp khi đến viện có dấu hiệu cảnh báo, các bác sĩ phát hiện ra có rất nhiều dịch trong ổ bụng. Tình trạng đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh, tiên lượng sẽ nặng nề hơn.

  Tự truyền dịch tại nhà là một trong những sai lầm nghiêm trọng trong điều trị sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Tự truyền dịch tại nhà là một trong những sai lầm nghiêm trọng trong điều trị sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Tiếp nữa là diễn biến của bệnh sốt xuất huyết vô cùng đa dạng, phức tạp, đòi hỏi sự theo dõi sát. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện để các bác sĩ theo dõi sát các diễn biến bởi ở mỗi bệnh nhân lại có một diễn biến bệnh khác nhau.

Nếu không được theo dõi sát, xử lý đúng mà người bệnh bị suy tạng, sốc, giai đoạn muộn hơn là không hồi phục thì gần như y tế can thiệp rất khó khăn, dễ dẫn đến tử vong.

Ngại đến BV: Rất nhiều người có biểu hiện bệnh nhưng ngại đến BV thăm khám, điều trị. Nhất là khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân nhập viện sẽ được điều trị tại khoa truyền nhiễm, người bệnh thường e sợ khi nghe đến các bệnh truyền nhiễm.

Hay như trong thời điểm đang có dịch bệnh COVID-19, rất nhiều người cũng ngại đến BV vì sợ lây COVID-19 và lựa chọn ở nhà tự chữa bệnh. Đến khi bệnh trở nặng bệnh nhân mới đến BV và sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị của nhân viên y tế.

Tự mua thuốc điều trị bệnh: Thói quen tự mua thuốc điều trị bệnh là sai lầm mà nhiều người Việt mắc phải. Việc dùng thuốc không theo chỉ định rất dễ gặp phải tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm. Nhất là khi chưa xác định chính xác biểu hiện sốt là do bệnh gì thì không được tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, đặc biệt là aspirin và ibuprofen.

Bởi, nếu sốt là do mắc bệnh sốt xuất huyết thì hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Trang cũng khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết với những trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên rất cần được sự theo dõi, giám sát của y tế. Bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà, nhưng đến những giai đoạn quan trọng thì sẽ được các bác sĩ hẹn đến khám, kiểm tra tình trạng tiểu cầu, biến chứng.

Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc hạ sốt dồn dập quá liều.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính