Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường diễn biến thầm lặng, kéo dài nên người bệnh dễ chủ quan, đánh giá sai lầm về tính chất của bệnh, khiến bệnh không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nếu không được khám chữa kịp thời, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể tiến triển và để lại những tổn thương không hồi phục.
Trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản.
Trong điều kiện sinh lý bình thường, mỗi khi chúng ta ăn uống, thức ăn đưa từ miệng xuống thực quản, cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn xuống dưới dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch vị trào ngược trở lại.
Nếu cơ vòng thực quản dưới không đóng kín lại hoặc mở ra quá thường xuyên, dịch dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây tổn thương các cơ quan thực quản, thanh quản, miệng,..
Nếu tình trạng trào ngược diễn ra nhiều hơn 2 lần một tuần, bạn có thể đã bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Những tác nhân gây trào ngược dạ dày thực quản:
- Ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn
- Thừa cân, béo phì
- Nằm ngửa hoặc gập người sau khi ăn no
- Ăn vặt ngay sát giờ đi ngủ
- Ăn một số loại thực phẩm như cam quýt, cà chua, chocolate, bạc hà, tỏi, hành, thức ăn cay, nhiều chất béo,...
- Uống một số loại đồ uống như rượu bia, nước có gas, cà phê, trà
- Hút thuốc
- Mang thai
- Uống aspirin, ibuprofen, một số loại thuốc giãn cơ hoặc thuốc điều trị huyết áp
Một số dấu hiệu phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản như:
- Ợ nóng: tình trạng đau, khó chịu đi kèm với cảm giác nóng rát từ dạ dày đến ngực, thậm chí lên đến cổ
- Ợ: dịch dạ dày có vị chua hoặc đắng trào ngược lên cổ họng hoặc lên đến miệng
Ngoài ra người bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể có các triệu chứng như:
- Đầy hơi
- Nôn ra máu
- Chất thải có máu hoặc màu đen
- Chứng khó nuốt: cảm giác thức ăn mắc trong cổ họng
- Nấc cụt liên tục
- Buồn nôn
- Sút cân không rõ nguyên nhân
- Khò khè, ho khan, khàn giọng hoặc đau họng mãn tính,...
(Theo WebMD)