Trải lòng bác sĩ, y tá: Trực đêm mới biết đêm dài

Nỗi vất vả mỗi đêm một khác, chỉ khi trời sáng bàn giao ca, các bác sĩ, y tá mới thở phào nhẹ nhõm để bắt đầu một giấc ngủ vội khi ngày mới bát đầu.

Chị Trần Thu Ngân - y tá trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội bắt đầu nhận ca trực đêm 

Từ ăn cơm bụi đến ngủ sàn nhà

Trong khi người khác chuẩn bị rời cơ quan về nhà thì các y tá, bác sĩ ở Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội bận rộn với công việc và chuẩn bị cho ca trực thâu đêm.

Ca trực đêm của các y tá, bác sĩ ở Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội bắt đầu từ 16h30 đến 7h30 ngày hôm sau với mức phụ cấp ít ỏi (120.000 đ/ca trực).

Chị Trần Thu Ngân - y tá trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội chia sẻ, với những người mới vào nghề thì đây là một thử thách lớn. Bởi không phải ai cũng có đủ kiên trì và sức chịu đựng để làm việc căng thẳng cả một đêm dài.

Khi thành phố tắt đèn, mọi người đang vào giấc ngủ thì trong này các y tá, bác sĩ đang vào ca trực và thức thâu đêm suốt sáng.

Những giấc ngủ vội vàng của họ có lúc cũng bị cướp đi bởi tiếng xe cấp cứu, tiếng kêu la hoặc thậm chí là những tiếng chửi rủa của những bệnh nhân say xỉn.

Bữa tối của các y bác sĩ tham gia trực diễn ra nhanh chóng tại phòng trực bằng các suất cơm bụi, đồ hộp hoặc có khi là đồ ăn nhanh.

Bữa tối của các y tá chỉ là cơm rang hoặc món đồ mua vội ngoài cổng bệnh viện 

Có khi đang ăn mà bệnh nhân cần lại phải bỏ dở chạy đi kiểm tra. Đến lúc quay lại thì mọi thứ đã nguội lạnh không thể ăn nổi nữa.

Chỗ ngủ quen thuộc của họ là những cái giường xếp tạm bợ, bàn làm việc thậm chí là cả sàn nhà... tiện chỗ nào thì họ ngủ chỗ đó. Bởi vậy, hình ảnh những suất cơm bỏ dở. Những người bác sĩ ngủ gục trên bàn là hình ảnh dễ thấy trong mỗi ca trực.

Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương tưởng như chỉ có ở thời chiến thì vẫn đúng với những người trực đêm trong bệnh viện.

Áp lực trực đêm  

Khó khăn vất vả là thế, nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm được với họ. Đặc biệt là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong Khoa cấp cứu của các bệnh viện trong giờ trực đêm. 

Làm ở Khoa cấp cứu Bệnh viện Bưu điện, bác sĩ Phạm Trường Giang chia sẻ: 'Ở khoa đầu tuyến như chúng tôi, áp lực không chỉ là phải thức đêm, phải cân não để sàng lọc bệnh nhân mà còn phải chuẩn bị các phương án xử lý với người nhà của họ'.

Hàng trăm người vào đây là hàng trăm kiểu tính cách khác nhau, không ai giống ai. Người hiểu thì họ cảm thông, nhẹ nhàng. Những người không hiểu thì họ chửi bới, dọa dẫm thậm chí là hành hung cả bác sĩ.

Bác sĩ, y tá trực đêm luôn gặp căng thẳng vì áp lực của người nhà bệnh nhân 

Khi tiếp nhận bệnh nhân, theo quy trình các bác sĩ phải làm công tác kiểm tra, sàng lọc. Những bệnh nhân nguy kịch luôn được ưu tiên trước. Nhiều người không hiểu được điều đó lại cho rằng đó là bỏ bê, không quan tâm.

Thậm chí có người nhà bệnh nhân còn dúi cả phong bì rồi giới thiệu làm chỗ này chỗ kia, quen ông này bà nọ…. Không được lại làm ầm lên.

Đặc biệt, khoa cấp cứu là nơi chứng kiến ranh giới giữa sự sống và cái chết. 'Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giành giật lại sự sống cho người bệnh bằng mọi giá. Chỉ cần bệnh nhân và người nhà của họ hiểu cho chúng tôi là có thể bớt đi một áp lực tâm lý để tập trung cứu chữa cho người bệnh'-bác sĩ Phạm Trường Giang trải lòng.   

Ở giữa những lần phải đi phòng, họ tranh thủ gục đầu trên bàn để ngủ 

Hôm nay mẹ có trực không?

Để hoàn thành được trách nhiệm, họ luôn biết ơn sự thông cảm và chia sẻ từ những người thân trong gia đình. Đặc biệt là những người chồng, người vợ.

Bác sĩ Phạm Trường Giang thú nhận: 'Hồi mới vào nghề thì sợ thật. Cứ nghĩ rồi sớm muộn cũng bỏ việc. Nhưng giờ thì quen rồi. Có khi còn muốn đi trực hơn ở nhà í chứ'.  

Ai cũng mong ước có buổi tối trọn vẹn bên gia đình nhỏ của mình. Sau những ánh đèn thâu đêm của bệnh viện là những con người vẫn đang âm thầm hi sinh để giành giật sự sống cho người bệnh.  

Còn chị Ngân tâm sự: 'Nhiều lúc cứ nghĩ  mình chưa làm tròn thiên chức của một người mẹ, chưa làm tròn bổn phận của một người vợ. Muốn tự tay chuẩn bị cho gia đình một bữa cơm tối cũng khó, muốn tự tay bón cho con mình ăn rồi ru nó vào giấc ngủ trong vòng tay của mình cũng không được'.

Bất kể thời điểm nào, khi người nhà bệnh nhân gọi, các y tá lập tức có mặt để xử lý cho bệnh nhân 

Chị kể, có những đêm chồng gọi điện bảo con quấy vì thiếu hơi mẹ mà lòng như lửa đốt. Những lúc đó chỉ mong hết ca trực để lao ngay về nhà. Nhưng rồi cũng phải nuốt nước mắt vào trong để tập trung chăm sóc cho người bệnh.

Chị chỉ mong ước một ngày có thể kéo dài thêm mấy giờ đồng hồ nữa. Để những người như chị có thêm thời gian giành cho bản thân, cho gia đình.

"Điều tôi sợ không phải là chứng kiến cái chết, máu me hay những đêm trực dài hun hút. Mà tôi sợ nhất là câu hỏi ngây thơ của con tôi - Hôm nay mẹ có trực không? bởi nhìn vào mắt nó tôi không biết nên trả lời như thế nào, vì có giải thích sao thì con vẫn cứ buồn" - chị Ngân trải lòng.

Mỗi đêm trực là một đêm dài vì những lo lắng, tất tưởi trong việc cứu người. Sức mạnh ấy có được là nhờ góc cảm xúc, tình yêu của họ luôn dành cho gia đình và niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất. 

Đặng Đình Cương/giadinhmoi.vn