Tình đồng nghiệp của bác sĩ, y tá U90 ở phòng khám miễn phí

Quen biết nhau hơn 30 năm, làm việc chung gần 26 năm, bác sĩ Trương Thị Hội Tố và y tá Lê Thị Sóc chưa bao giờ to tiếng với nhau. Hai bà làm việc bằng cái tâm của những người âm thầm giúp đỡ các bệnh nhân của mình tại phòng khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí.

Buổi sáng thứ hai mỗi tuần tại Uỷ ban Nhân dân phường Giáp Bát cũ mở ra với hình ảnh bà Lê Thị Sóc (sinh năm 1930) lẹ làng kéo khoá cửa phòng khám. Theo thói quen, cứ 7 giờ 30 phút, bà Sóc đã có mặt tại đây, mở cửa, sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân và chờ đợi các đồng nghiệp của mình.

‘Bà Tố đến rồi’, một người ngồi trong phòng khám nói vọng ra. 8 giờ đúng, chiếc xe chở bà Trương Thị Hội Tố (sinh năm 1933) dừng trước cửa phòng khám. Chậm rãi bước từng bậc thềm, bà Tố cười chào tất cả mọi người đang có mặt tại đó.

Gần 26 năm nay, những buổi sáng thứ 2 của bác sĩ Tố và y tá Sóc bắt đầu như thế tại Phòng khám, tư vấn sức khoẻ và phát thuốc miễn phí phường Giáp Bát.

Một ngày của năm 1952, cô sinh viên trường Trung cấp Nữ hộ sinh Liên khu Trương Thị Hội Tố gặp gỡ, bén duyên với người lính Nguyễn Xuân. Cô sinh viên tuổi 18 đem lòng yêu thương chàng trai trẻ và mong muốn gắn bó lâu dài với người đàn ông này.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, bà Tố và ông Xuân quyết định gắn kết với nhau bằng một đám cưới giản dị. Ông Xuân quay trở lại chiến đấu, tiếp tục làm nhiệm vụ, bà Tố ở nhà mong ngóng tin chồng trong niềm hy vọng và niềm tin bất diệt cho ngày đoàn tụ.

Những ngóng chờ đó vội vụt tắt vào năm 1953, bà Tố nhận được tin sét đánh chồng bà đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã cướp đi người đầu ấp tay gối của bà khi cả hai chưa kịp có con với nhau.

Những tháng ngày đau khổ trong cuộc đời bà Tố bắt đầu từ đó. Nhớ thương người chồng đã khuất, bà Tố lao vào công việc của một người bác sĩ. Bà xung phong lên vùng cao tỉnh Yên Bái công tác với mong muốn có thể nguôi ngoai nỗi xót xa. Sau 4 năm loay hoay trong nỗi đau mất chồng, bà trở về quê nhà, mạnh mẽ đứng dậy, tìm lại hình ảnh một người phụ nữ vui tươi ngày nào.

Như trời định, bà Tố nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Quang Bình. Cái tin chồng hy sinh một lần nữa quay lại quật ngã người phụ nữ truân chuyên này. Đó là một ngày của năm 1973, ông Bình ra đi để lại hai con trai và một con gái còn nhỏ dại. Hai người chồng của bà đều nằm xuống cho lý tưởng cao cả, một mình bà đứng vậy nuôi ba người con khôn lớn.

May mắn hơn bà Tố một chút nhưng những tháng ngày hạnh phúc, đầm ấm bên chồng của bà Lê Thị Sóc cũng không được kéo dài. Chồng bà Sóc cũng mất cách đây hơn 20 năm, một mình bà nuôi hai người con trai trưởng thành.

Bà Tố từng giữ chức Hiệu phó trường Cao đẳng Y tế Nam Định, khi nghỉ hưu, bà lên Hà Nội sống cùng con cháu. Bà Tố tham gia công tác cộng đồng tại địa phương ở quận Thanh Xuân. Bà Sóc sau khi nghỉ hưu cũng hăng hái trong các công việc ở quận Hai Bà Trưng với các vị trí trong Hội người Cao tuổi, Hội phụ nữ…

Cái duyên đưa đẩy bà Tố và bà Sóc gặp nhau trong những lần họp hành và giao lưu. Trò chuyện đôi ba lần, hai bà mới hay đều là bà con xa của nhau, lại cùng chung hoàn cảnh goá chồng từ sớm.

Những chia sẻ thật lòng về cuộc sống riêng, về chuyên môn đã kéo hai người lại gần với nhau hơn. Có những ngày gặp nhau, cả hai nói mãi không hết chuyện trong những tràng cười không dứt.

Khi nói về người kia, cả bà Tố và bà Sóc đều dành cho nhau những tình cảm chân thành và yêu thương, như những người cùng một gia đình.

Tình chị em của hai nữ y bác sĩ đã được hơn 30 năm và còn dài lâu vì hai bà chưa bao giờ nặng lời, to tiếng với nhau, có việc gì thì nhẹ nhàng bảo ban nhau.

‘Chúng tôi chơi với nhau được hơn 30 năm, làm việc chung đến năm 2018 là 26 năm rồi. Giữ được tình cảm như bây giờ khó lắm chứ’, bà Tố thổ lộ.

Một mình đứng vậy, các con của hai bà đều khôn lớn, trưởng thành. Các con, cháu trong gia đình không ai kêu than khi thấy hai bà đến tuổi nghỉ rồi mà vẫn đi làm việc và cống hiến cho xã hội.

Nhận được sự ủng hộ của con cái, hai bà lại càng có thêm động lực để duy trì và phát triển phòng khám miễn phí này.

Từ quen biết, trở nên thân thiết, bà Tố và bà Sóc không chỉ gắn bó với nhau trong những cuộc gặp gỡ trò chuyện đơn thuần mà hai bà còn có chung một lý tưởng và cùng có cái tâm với nghề.

Dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, trong thâm tâm bà Tố, lúc nào bà cũng khao khát làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng từ chính chuyên môn của mình.

Bà Tố nảy sinh suy nghĩ mở một phòng khám bệnh miễn phí trong những tháng ngày đạp xe đi khám bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, cựu chiến binh và gia đình chính sách.

Nói là làm, Phòng khám và tư vấn sức khoẻ và phát thuốc miễn phí phường Giáp Bát được thành lập năm 1992 với khởi đầu gồm 7 y bác sĩ đã về hưu.

Những ngày đầu phòng khám thành lập, bà Tố chật vật trong việc tìm địa điểm và thiết lập quy trình và làm thế nào để duy trì hoạt động của phòng khám.

Bà Tố dùng toàn bộ số tiền trợ cấp hàng tháng cho vợ liệt sĩ, tiết kiệm chi tiêu và vận động mọi người quyên góp để mua thuốc cho bệnh nhân. Mới bắt đầu làm, những y bác sĩ chỉ có trong tay tấm lòng và kiến thức, ống nghe y tế, cặp nhiệt độ, máy đo huyết áp.

 

Bà Tố rủ bà Sóc, người từng là y tá của bệnh viện Xanh Pôn về làm cùng. Bà Sóc không chần chừ gì mà nhận lời ngay. Có lẽ bà Sóc cũng giống bà Tố, nếu không làm việc thì sẽ tự khiến mình trở nên trì trệ và sức khoẻ sẽ suy giảm. Hơn nữa, đây lại là một công việc thiện nguyện, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân.

Trải qua bao khó khăn, nhiều lần di chuyển địa điểm, cuối cùng phòng khám cũng ổn định tại số 63, ngõ 119 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Trong số 7 người đầu tiên của phòng khám, đến nay chỉ còn lại bà Tố và bà Sóc tiếp tục phục vụ nhân dân.

Hình ảnh hai người y bác sĩ U90 ngồi căng mắt đọc hạn sử dụng, thành phần, tác dụng của thuốc để phân loại, để vào đúng ngăn đã ghi rõ tác dụng khiến không ít người nể phục trước sức lao động của hai bà.  

Bà Tố kể, trước đây, phòng khám ít người làm, có những ngày hai bà khám, chữa bệnh cho bệnh nhân không có cả thời gian đi vệ sinh.

Hai bà tự thiết lập quy trình làm việc, phối hợp nhịp nhàng với nhau cho đến bệnh nhân cuối cùng. Những kết hợp trong công việc giúp cả hai ngày một hiểu nhau hơn và yêu thương nhau hơn.

Năm 2000, bà Sóc đi khám, phát hiện mình bị ung thư hang vị dạ dày. Bác sĩ chỉ định bà phải phẫu thuật.

Khi đó, bà Tố một mình xoay xở với phòng khám, làm thay cả phần việc của bà Sóc. Vừa một mình đảm đương công việc, bà Tố cầu mong bà Sóc nhanh chóng bình phục.

Nằm trong viện điều trị, bà Sóc lo bà Tố vất vả, không kham nổi với khối lượng công việc của phòng khám. Nghĩ vậy, 20 ngày sau khi mổ cắt bỏ 2/3 dạ dầy, bà Sóc quay trở trở lại phòng khám làm việc trong sự vui mừng của bà Tố.

Sức khoẻ đi xuống, bà Sóc nói ý định nghỉ làm ở phòng khám cho bà Tố biết. ‘Nếu bà nghỉ thì tôi cũng nghỉ’, bà Tố lên tiếng.

Rồi hai bà cùng ngồi lại, bàn bạc, tiếc công sức xây dựng, duy trì phòng khám suốt nhiều năm qua mà động viên nhau cùng cố gắng tiếp tục làm việc.

 
 

Dần dần, công việc tại phòng khám đi vào nề nếp nên mọi thứ cũng ổn định hơn. Phòng khám còn nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Những bọc thuốc lớn nhỏ tuần nào cũng được gửi tới. Bà Tố và bà Sóc chịu trách nhiệm phân loại thuốc.

Ngoài ra, phòng khám còn có một người đo huyết áp, một người làm xét nghiệm tiểu đường, một người lo cấp thuốc và một người khám bệnh. Khi nào phòng khám đông quá, bà Tố cũng ngồi bàn khám bệnh.

Ngoài cái tâm, bà Tố còn cho rằng mình là tỷ phú thời gian, không làm việc thiện, không mở phòng khám thì bà cô đơn lắm. Bà Tố chia sẻ, nhiều khi bà Sóc có sơ suất trong công việc nhưng bà Tố không lấy điều đó ra để mạt sát, trách móc.

Thay vào đó, bà Tố nhẹ nhàng góp ý ‘Cái này không được đâu, phải làm như thế này này’… bà Sóc lắng nghe và làm theo. Ngược lại, nếu bà Tố có khuyết điểm gì, bà Sóc cũng thẳng thắn chỉ ra.

Mỗi thứ hai hàng tuần, bà Tố thường kiểm tra hạn sử dụng, tác dụng của thuốc rồi chuyển qua cho bà Sóc cất vào tủ. Cứ lần lượt như vậy, tủ thuốc đầy rồi lại vơi đi theo số lượng bệnh nhân tìm tới phòng khám. Trình tự lặp lại đó giống hệt sự kết hợp ăn ý của hai bà.

Cùng làm việc tại Phòng khám, tư vấn sức khoẻ và phát thuốc miễn phí phường Giáp Bát khiến tình chị em của bà Tố và bà Sóc càng thêm khăng khít.

Bà Tố bộc bạch: ‘Chồng cùng mất sớm, chúng tôi thương nhau lắm, đồng cảm với nhau và chẳng bao giờ tranh cãi với nhau điều gì’.

Mỗi sáng thứ hai hằng tuần, bà Tố đều đặn bắt xe ôm tới phòng khám. Quãng đường hơn 10 cây số từ nhà đến phòng khám như được rút ngắn lại bởi sự biết ơn của người bệnh và những câu cảm ơn không dứt được gửi tới bà. 

Không lúc nào phòng khám ngớt tiếng cười của y bác sĩ và các bệnh nhân dành cho nhau.

Bà Tố kể, có những ông bà tức giận con cháu, đến phòng khám xả với mọi người, lúc về lại vui vẻ trở lại ngay. Những câu chuyện của tuổi già được san sẻ với nhau, khiến căn phòng chỉ rộng 20m2 này thêm ấm áp.

Bà Tố là người đầu tiên mở phòng khám nhưng bà luôn có suy nghĩ nâng những người cộng sự của mình lên. Nếu có thưởng, bà Tố cũng khéo léo không nhận mà để xuất thưởng đó dành cho đồng nghiệp.

Với bà Tố, công việc tại phòng khám khiến bà khoẻ mạnh, đầu óc minh mẫn vì phải đọc thành phần để lọc thuốc và đầu óc bà cũng được mở mang nhiều.

Còn với bà Sóc, người từng là y tá phòng cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, là nơi đầu sóng ngọn gió ‘Nhanh tý sống, chậm tý thì người ta chết’, lúc nào cũng căng như dây đàn, chạy như con thoi, nên đến giờ dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn muốn cống hiến cho ngành.

Bà Sóc nhận thấy, ở tuổi của bà, việc đi ra ngoài, gặp gỡ mọi người giúp bà trở nên vui khoẻ hơn. Những công việc ở phòng khám khiến bà buộc phải đi, buộc phải giao tiếp, buộc phải nhớ thì mới không trì trệ.

Trước đây, khi chưa về hưu, bệnh nhân nào nghèo khó, không có tiền chữa trị, ai cũng biết ngay là bệnh nhân của bác sĩ Tố. Tấm lòng thương người của bà Tố chưa bao giờ vơi với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà tâm sự, ‘Tiền cũng cần thật đấy nhưng tôi chẳng cần tiền’.

Bà không chỉ nhờ xe ôm đưa tới phòng khám mà còn đi tới tận nhà gia đình có hoàn cảnh khó khăn để cho tiền họ. Chính điều đó khiến bà luôn thanh thản và hạnh phúc với những điều mình đang làm.

Thay vì nghỉ ngơi đúng như độ tuổi, những người bác sĩ đã bước qua ngưỡng cửa thượng thọ vẫn đang hằng tuần thực hiện công việc chuyên môn của mình để cứu giúp những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Hiếm thấy tuần nào bà Tố và bà Sóc không ngồi ở vị trí của mình trong phòng khám. Hai bà vẫn hăm hở tới đây làm hàng tuần, thậm chí hai bà còn thấy nhớ bệnh nhân nếu tuần nào đó vắng mặt.

Ngoài phòng khám, hai bác sĩ, y tá này còn tìm thú vui tuổi già bằng cách tham gia các hội, nhóm. Bà Tố tham gia hội thơ còn bà Sóc tham gia hội người cao tuổi.

Ở hội nhóm nào, hai bà cũng là những người cao tuổi nhất. Dường như tinh thần sống vui, sống khoẻ tỷ lệ thuận với số tuổi của hai bà. 

Phòng khám ngày một khang trang hơn nhưng tóc những người y bác sĩ này ngày một bạc, đôi chân ngày một yếu đi.

Chỉ có tinh thần nhiệt huyết, hết lòng với người bệnh là không bao giờ mất trong họ. Họ coi công việc này như lẽ sống của mình, đến ngày là đi, đến giờ là làm.

10 giờ 30, bà Tố và bà Sóc là hai trong số năm người y bác sĩ cuối cùng rời phòng khám bệnh, tư vẫn và cấp thuốc miễn phí. Những tia nắng hanh vươn cao xuyên qua lớp lá mỏng tang trong khuôn viên Uỷ ban Nhân dân phường Giáp Bát cũ.

Ngoài đó, người xe ôm đang chờ đón bà Tố, nhẹ nhàng đỡ bà cẩn thận leo lên, đưa bà về quận Thanh Xuân. Bà Sóc lững thững đi bộ qua vài con ngõ nhỏ, qua khu chợ đông đúc là tới nhà.

Sáng thứ 2 mỗi tuần kế tiếp, bất kể nắng mưa, hai bà lại gặp nhau ở đây, cùng thực hiện một công việc ý nghĩa mà ngập tràn niềm vui.

Tú Anh - Phạm Tùng /giadinhmoi.vn