Tin tức giáo dục mới nhất, hay nhất ngày 18/9: Học sinh TP.HCM không nhất thiết phải làm bài kiểm tra 1 tiết, 15 phút, không giáo viên hợp đồng nào ở Hà Nội được xét tuyển đặc cách...
Sở GD&ĐT TP. HCM vừa có văn bản về thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá năm học 2019-2020.
Sở GD&ĐT đề nghị các trường THCS, THPT thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như: đánh giá qua bài thuyết trình, qua thái độ học tập của học sinh; qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường…
Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho bài kiểm tra như hiện nay.
Mới đây, tại Hội nghị về Công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố năm 2019, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, qua rà soát, trong tổng số gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội thì không ai đủ điểu kiện xét tuyển đặc cách.
Nguyên nhân là bởi không có giáo viên nào đủ tiêu chuẩn để xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7, điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.
Theo Nghị định 161, để được xét tuyển đặc biệt vào viên chức thì "Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập".
Nếu chiếu theo quy định này, thì hầu hết các giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đều không giảng dạy trong các đơn vị tự chủ về tài chính.
Trước đó, tháng 7/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, giáo viên nào đủ 3 điều kiện (sức khỏe, tham gia BHXH liên tục từ 5 năm trở lên và có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mà nhà trường yêu cầu) sẽ được xem xét xét tuyển viên chức đặc biệt.
Chiều 17/9, TS Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục KHĐT và Công nghệ (Bộ Y tế) đã cho biết, chủ trương thành lập Đại học Sức khỏe có từ 20 năm trước.
Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng...
Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...