Sáng 13/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Điều đáng chú ý là kết quả giải mã gen virus 3 bệnh nhân làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất là chủng mới, xuất hiện lần đầu tại Việt Nam.
Tính từ 18 giờ ngày 12/02 đến 6 giờ ngày 13/02, Việt Nam không có ca nhiễm mới. Hiện Việt Nam có tổng cộng 1248 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 555 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 129.098 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 762 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 19.476 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 108.860 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có 1531 ca bệnh được chữa khỏi. Trong số các ca mắc đang điều trị, có 59 ca đã âm tính từ 1 - 3 lần với SARS-CoV-2.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo kết quả giải mã bộ gen virus từ các ca COVID-19 liên quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã báo cáo nhanh cho Sở Y tế TPHCM và Cục Y tế dự phòng về kết quả giải mã bộ gene của chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Báo cáo cho biết phòng xét nghiệm sinh học phân tử đã thu nhận được 3 bộ gene SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm phết mũi họng của bệnh nhân 1979 và của hai trong số 4 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Y tế công bố vào sáng 8-2.
Ba bộ gene thu nhận được từ các bệnh nhân trên có sự tương đồng về gene là trên 99,95%. Như vậy chùm ca bệnh gồm bệnh nhân 1979 và các bệnh nhân của tổ bốc xếp của công ty VIAGS ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây.
Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy cả ba bộ gene SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10/2020.
Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc cũng như một số nước khác ở châu Âu, trong đó có Anh và Đan Mạch. Tuy nhiên, chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này.
Như vậy, chủng virus xuất hiện tại TPHCM không phải chủng virus biến thể xuất hiện ở Anh có khả năng lây Lan nhanh.