Ngải cứu có vị đắng, chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng giảm đau, cầm máu, sát trùng nên được sử dụng làm thành phần trong các bài thuốc bôi trĩ, thuốc điều kinh, thuốc chữa ho…
Cùng tìm hiểu xem ngải cứu có tác dụng gì và có thể dùng làm thuốc bôi trĩ được không.
Lương y Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường cho biết, ngải cứu là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong Đông y để giúp ôn ấm, trừ hàn cho cơ thể, giảm đau bụng kinh, giảm đau xương khớp, chữa bệnh trĩ… nhờ tác dụng giảm đau, sát trùng, cầm máu.
Trong các tài liệu về y học cổ truyền của Việt Nam cũng có ghi, toàn thân ngải cứu có chứa tinh dầu, có tính ấm nóng, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, vào ba kinh can, tỳ, thận có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, giảm đau, cầm máu, sát trùng.
Trong Đông y, ngải cứu được dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau kinh, bụng lạnh đau, nôn mửa đi lỵ, thổ huyết, chảy máu cam, đa kinh, đái ra máu, bạch đới, đau dây thần kinh, phong thấp và ghẻ lở.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, lá ngải cứu được dùng làm thuốc cầm máu, hạ nhiệt, bổ toàn thân và trị tiêu chảy. Thân và lá ngải cứu khô đốt và hít khói chữa hen phế quản. Dạng thuốc mỡ ngải cứu để chữa một số bệnh da.
Y học Ấn Độ cũng có ghi, lá và ngọn mang hoa ngải cứu được dùng dưới dạng nước hãm trong các bệnh thần kinh và co thắt. Ngoài ra, ngải cứu còn được dùng làm thuốc sát trùng, gây long đờm, trừ giun, chữa thấp khớp.
Tại Indonesia, ngải cứu được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa bệnh trĩ, tiêu chảy, bệnh da và mụn lở.
Một số bài thuốc chữa bệnh có chứa ngải cứu
Chữa ho: Lá ngải cứu, lá nguyệt bạch, cây bọ mắm, mỗi thứ một nắm, trà ngon đủ pha một ấm, gừng 3 lát, tất cả đem sắc uống ngày 1 thang.
Chữa thiếu máu: Ngải cứu, ích mẫu, hà thủ ô, lá sung, củ mài, mỗi vị 20g; hạt sen, táo nhân, đảng sâm, thục địa, mỗi vị 12g. Tất cả đem sắc uống ngày một thang hoặc làm thành viên ngày uống 20 – 40g.
Chữa đau lưng cấp khi khuân vác nặng, lệch tư thế: Lấy một nắm to lá ngải cứu đem sao với rượu đắp ấm tại chỗ.
Chữa đi ngoài ra máu: Dùng 1 năm ngải cứu và 1 củ gừng sống sắc uống.
Thuốc điều kinh: Ngải cứu 50g, ích mẫu 100g, hương phụ 100g. Sau đó chế thành dạng thuốc viên hoặc cao lỏng có đường, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 15g.
Chữa đau bụng kinh: Ngải cứu 8g, đảng sâm 16g, hoài sơn, bạch truật, hà thủ ô, kê huyết đằng, ngưu tất, mỗi vị 12g; nhục quế, can khương, mỗi vị 6g. Tất cả đem sắc uống trong ngày.
Chữa bệnh trĩ: Ngải cứu, hoa hòe, kinh giới, chỉ xác, mỗi vị một lượng bằng nhau đem nấu nước, cho thêm phèn chua vào để xông và rửa hậu môn. Ngoài ra, dùng lá ngải cứu, lá cúc tần, lá sung, lá lốt, mỗi thứ 1 nắm và thêm vài lát nghệ đun sôi với nước sạch để ngâm, xông và rửa hậu môn khoảng 15 phút. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần và làm kiên trì để giúp giảm sưng đau, ngứa rát vùng hậu môn do bệnh trĩ gây ra.