Dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động, lười uống nước… đều là những thói quen gây hại cho thận mà nhiều người đang mắc phải.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chế độ dinh dưỡng không chỉ liên quan đến bệnh mạn tính không lây như: đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp..., mà còn liên quan đến bệnh lý đường tiết niệu như sỏi thận - tiết niệu. Do đó, chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong dự phòng bệnh sỏi thận - tiết niệu.
Theo PGS Lê Bạch Mai, nhiều người đang mắc phải những thói quen gây hại cho thận dưới đây mà không biết. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận – tiết niệu.
Uống ít nước: Lâu nay nhiều người vẫn xem nhẹ việc uống nước, nhưng ít ai biết được rằng các phản ứng của cơ thể phần lớn xảy ra trong môi trường nước. Và một khi không đảm bảo đủ nước thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có bệnh sỏi thận - tiết niệu.
Thói quen lười uống nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sỏi tiết niệu khiến thận giãn căng mất chức năng, nhiều người phải cắt thận. Nếu uống nước thường xuyên, bài tiết nước tiểu tốt thì sẽ rất tốt cho cơ thể, cuốn trôi những chất khoáng cần đào thải; nhưng nếu uống ít nước lại nhịn tiểu sẽ gây tái hấp thu, làm cho các chất đáng lẽ cần thải ra ngoài thì lại lắng đọng, tạo sỏi.
Ăn nhiều thịt đỏ: Chế độ ăn uống giàu đạm từ thịt đỏ sẽ gây ra những vấn đề về thận, có thể làm bệnh thận trở nên trầm trọng hơn. Bởi việc chuyển hóa protein sẽ hạn chế quá trình bài tiết chất cặn bã, gây tác động không nhỏ đối với thận, dễ hình thành sỏi thận – tiết niệu.
Uống nhiều trà, cà phê: Thói quen uống trà và cà phê cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận tiết niệu. Bởi cafein có trong trà, cà phê là chất kích thích nên cafein có thể làm quá trình lưu thông máu diễn ra nhanh hơn, tăng huyết áp và làm suy giảm chức năng của thận. Đặc biệt, việc sử dụng cafein khi đói cũng là tác nhân gây ra bệnh sỏi thận. Ngoài ra, khả năng lợi tiểu của cafein có trong trà, cà phê cũng là là nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước, dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận. Do đó, không nên uống quá 2 cốc cà phê hoặc 3 cốc trà mỗi ngày để không gây hại cho sức khỏe.
Ăn mặn: Người Việt thường có thói quen ăn mặn và có sở thích ăn các món ăn được chế biến mặn như cá muối, thịt muối, dưa muối, cà muối, mắm… Trong khi đó, cơ thể chỉ cần rất ít muối để cân bằng lượng nước phù hợp. Nếu trong cơ thể thừa muối sẽ gây tổn hại cho thận. Bởi khi sử dụng quá nhiều muối ăn, thận cần giữ lại lượng nước để làm loãng chất điện giải trong máu, nhằm đảm bảo chức năng của tim. Điều này khiến thận bị tổn thương. Ngoài ra, lượng muối đưa vào cơ thể cao còn tăng lượng protein bị bài tiết trong nước tiểu và rất dễ mắc chứng suy thận.
Lười vận động: Thói quen lười vận động, ăn xong đi nằm, nằm nhiều làm cho sự lưu thông, bài tiết nước tiểu kém, tốc độ dòng chảy nước tiểu không đủ mạnh để cuốn đi các chất khoáng có trong nước tiếu, gây lắng đọng hình thành sỏi thận - tiết niệu.
Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, phòng ngừa bệnh sỏi thận - tiết niệu, bác sĩ Mai khuyến cáo:
- Trong bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo đa dạng thực phẩm, không lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn như thịt hộp, thịt đỏ, không ăn quá nhiều chất béo.
- Hình thành thói quen ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
- Hạn chế muối trong khi nấu nướng, ăn ít các món ăn được chế biến nhiều muối như thịt muối, cá muối, dưa cà muối, mắm… Bởi dư thừa muối dễ tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận, tạo nước tiểu khó hơn, dễ ứ đọng tạo sỏi thận.
- Nên hạn chế chất kích thích như trà, cà phê, rượu vì không tốt cho sức khỏe của thận.
- Hạn chế đồ ngọt, đồ ăn chế biến sẵn để không ảnh hưởng chức năng thận.
- Uống đủ nước, khoảng 2 - 2,5 lít nước/ngày, đảm bảo nước tiểu đi ra không màu vàng đậm, mà chỉ có màu vàng nhạt, trong.
- Vận động thường xuyên, ít nhất khoảng 30 phút/ngày để giảm nguy cơ lắng đọng chất khoáng tạo sỏi thận.