Thế giới có Luật Phòng chống tác hại rượu, bia?

Giữa những tranh cãi của Bộ Y tế và các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia liên quan đến Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2018 sẽ được Bộ Y tế trình lên Quốc hội. Vậy ở các quốc gia khác trên thế giới có hay không Luật/quy định nhằm hạn chế việc sử dụng rượu bia?

Liên quan đến vấn đề hạn chết việc sử dụng rượu bia, cả hai cơ quan liên quan đều chưa thể tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia cho rằng: Hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Chỉ có một số ít nước ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia (Thái Lan) hoặc Luật về kiểm soát chất có cồn (Lithuania)… Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng, điều cần nhất Việt Nam nên tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, hành vi sử dụng đồ uống có cồn chứ không nhất thiết phải ban hành thêm một luật nữa gây tốn kém nguồn lực và chưa tính toán được hiệu quả của nó.

Trả lời cho vấn đề trên, ông Nguyễn Phương Nam - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đưa ra một số minh chứng các chính sách phòng ngừa tác hại của rượu, bia ở một số nước trên thế giới.

Trong đó, ông Nguyễn Phương Nam cho biết, WHO lần đầu tiên kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực thi chính sách phòng ngừa tác hại của rượu bia năm 1979, lần 2 vào năm 1983, lần 3 vào năm 2005 và mới đây nhất là vào năm 2010.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi đó của WHO, từ việc tăng tỉ lệ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có cồn, quy định nồng độ cồn đối với lái xe, kiểm soát độ sẵn có của rượu bia, kiểm soát quảng cáo mặt hàng đồ uống có cồn.

Cụ thể, chỉ riêng với chính sách giá, theo số liệu của WHO, đã có 165 quốc gia có chính sách điều chỉnh giá bán, thông dụng nhất chính là thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nơi tăng giá bán sản phẩm đồ uống có cồn lên đến 25% và từ đó đã giảm được 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình. So với năm 2010, 77 nước đã thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. 

Ngoài nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều quốc gia có phụ thu thêm trong việc buôn bán sản phẩm này. Hiện nay, Thái Lan đã thành lập một quỹ ThaiHealth thu thêm 2% kinh phí phụ thu. Nhờ đó, tỉ lệ sử dụng rượu bia của người Thái giảm mạnh, chỉ trong 5 năm, mức độ này giảm gần 20%.

Một số nước quy định nồng độ cồn đối với lái xe, cụ thể, có đến 159 nước quy định và tại các quốc gia này, đã góp phần giảm tới 20% số ca tai nạn liên quan tới rượu bia. Điển hình như Nhật Bản, áp dụng quy định này từ năm 2002, nên đã giảm 35% số ca tử vong do tai nạn giao thông. Hay như với New Zealand, áp dụng từ năm 1993, sau khi quy định nồng độ uống có cồn, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm từ 44% (1990) xuống còn 26% (năm 2001). 

Và cũng có tới 168 quốc gia có quy định kiểm soát rượu bia, trên 50% trong số đó quy định giờ bán đồ uống có cồn. Tại Thuỵ Điển, nhà nước độc quyền tại 431 điểm bán và chỉ mở cửa từ 10 giờ - 18 giờ. 

Song, cũng có đến 166 nước có chính sách cấm quảng cáo rượu bia trên phương tiện thông tin truyền thông. Rất nhiều nước cấm toàn bộ quảng cáo trên các chương trình, thời gian cho trẻ em hoặc có quốc gia, cấm hoàn toàn quảng cáo mặt hàng này.

Đặc biệt, không có nơi nào cho sử dụng hình ảnh khuyến khích đồ uống hay liên hệ đến sức khoẻ, sự thành công khi sử dụng rượu, bia. Và bất cứ đơn vị nào vi phạm về quảng cáo thường bị phạt rất nặng.

Tại Pháp, cấm quảng cáo từ 17 giờ đến 24 giờ, riêng thứ Tư cấm từ 7 giờ đến 24 giờ, cấm toàn bộ trên ấn phẩm cho trẻ em cũng như cấm trên các trang Internet trẻ em, thể thao. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm, sẽ phạt tới 10.000 euro (tương đương >300 triệu đồng).

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan