Với ưu điểm phẫu thuật đơn giản, thời gian phục hồi nhanh, giảm đau và sớm phục hồi chức năng, phương pháp thay khớp nhân tạo bàn, ngón tay được các chuyên gia xương khớp đánh giá là hữu hiệu đối với bệnh nhân mắc bệnh lý về các khớp bàn, ngón tay.
Các bác sĩ của khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Bệnh viện Xanh Pôn mới tiến hành thay khớp liên đốt ngón bàn tay cho nam bệnh nhân 65 tuổi.
Cách đây 16 năm, bệnh nhân này bị gãy trật khớp liên đốt ngón bàn tay trong lúc chơi thể thao. Sau tai nạn, bệnh nhân không điều trị dẫn đến ngón tay vẹo trục tiến triển dần.
Tới khi đến khám tại Bệnh viện Xanh Pôn, khớp liên đốt của bệnh nhân biến dạng hoàn toàn và vẹo ngoài gần 90 độ, mất hoàn toàn chức năng gập, duỗi khớp liên đốt, thường xuyên đau nhức và vướng víu khi cầm nắm.
Sau khi hội chẩn và cân nhắc yếu tố tuổi tác, mức độ vận động của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ định mổ thay khớp loại 1 khối bằng silicone. Ca mổ được thực hiện trong khoảng 35 phút, với đường mổ vào khớp từ phía mu ngón tay, sau đó thay khớp kết hợp chỉnh sửa da và phần mềm về trục cho bệnh nhân.
Sau mổ 1 ngày, chức năng gấp duỗi phục hồi hoàn toàn, bệnh nhân được ra viện.
Theo các chuyên gia xương khớp, từ khi kỹ thuật thay khớp được triển khai ở Việt Nam đến nay, đã có hàng trăm ngàn bệnh nhân được cứu thoát khỏi sự đau đớn do các bệnh lý gây thoái hóa bề mặt khớp gây ra.
Về bản chất, thay khớp nhân tạo nói chung và thay các khớp nhỏ, nhỡ nói riêng đều là sử dụng vật liệu nhân tạo (như kim loại, polymer) để thay thế một phần, hoặc toàn bộ bề mặt tiếp xúc của khớp bệnh nhân, vốn đã bị hư hỏng do các bệnh lý hoặc chấn thương gây ra.
Mục đích của thay khớp nhân tạo là giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn, phục hồi lại tối đa chức năng vận động của khớp và đạt được tính thích ứng sinh học cao nhất.
Đặc điểm của các khớp bàn, ngón tay, các khớp liên đốt ngón tay là những khớp nhỏ, dạng khớp bản lề với cử động chính là gập và duỗi, liên kết giữa xương bàn tay và các xương đốt ngón tay.
Các khớp của bàn tay, ngón tay đóng vai trò quan trọng trong các động tác tinh tế, cầm nắm của con người, tham gia vào yếu tố đảm bảo độ vững cho hoạt động của các khớp này trong cả chiều trước sau, trong ngoài…
Các khớp bàn tay, ngón tay, liên đốt ngón chủ yếu thường bị hư hỏng do các nguyên nhân như: Thoái hóa khớp nguyên phát; Viêm khớp dạng thấp; Chấn thương cũ như gãy trật vùng chỏm xương bàn, ngón nhưng không được điều trị triệt để.
Các tổn thương làm hư hại bề mặt khớp tùy theo thời gian bị bệnh cũng như mức độ bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau.
Đối với những tổn thương giai đoạn cuối gây phá hỏng hoàn toàn bề mặt khớp, khớp mất chức năng thì trước đây phương pháp điều trị chủ yếu là đóng cứng khớp vĩnh viễn để giải quyết tình trạng đau của bệnh nhân, nhưng đồng thời làm mất luôn chức năng vận động của khớp.
Để giải quyết những vấn đề trên cho những người có bệnh lý thoái hóa khớp bàn, ngón tay, liên đốt ngón nhưng vẫn muốn đảm bảo khả năng phục hồi chức năng của bàn ngón tay, phương pháp thay khớp đã được đề ra.
Hiện nay, có 2 loại khớp bàn ngón tay nhân tạo phổ biến được sử dụng là khớp 1 khối và khớp 2 khối với ưu nhược điểm khác nhau, nhưng có điểm chung là dựa trên nguyên lý bản lề và thiết kế theo đặc điểm giải phẫu của bàn ngón tay con người, do đó không chỉ giúp bệnh nhân giảm đau mà còn khôi phục tối đa chức năng của các khớp này.
Tuy nhiên, thay khớp bàn ngón tay, liên đốt ngón có chống chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân đang có nhiễm trùng tại khớp, phần mềm quanh khớp bị viêm dính, khuyết hổng quá nặng, hoặc ở bệnh nhân trẻ xương chưa cốt hóa hết.
Phương pháp mới này cũng gây ra các biến chứng liên quan tới phần khớp nhân tạo và liên quan tới phần mềm quanh khớp. Các biến chứng hay gặp là trật hoặc bán trật khớp nhân tạo, mòn khớp, lỏng chuôi khớp, tổn thương hệ thống gân ngón, tổn thương dây chằng bên khớp, tổn thương mạch, thần kinh ngón. Nguyên nhân dẫn tới những biến chứng này chủ yếu do việc phẫu tích vào khớp chưa đúng, xác định và đặt trục khớp không chính xác gây ra.