Chia sẻ với Gia Đình Mới về thực trạng bệnh xương khớp gia tăng vào những ngày nồm ẩm, PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình Bộ môn Ngoại Đại học Y Hà Nội, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Thời tiết nồm ẩm, nóng lạnh thất thường làm nhiều người phải vào viện thăm khám vì đau xương khớp. Nguyên nhân là do thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch khớp của cơ thể.
Mà dịch khớp chính là dung dịch nuôi dưỡng xương khớp. Vậy nên, khi chất lượng dịch khớp suy giảm sẽ gây ra tình trạng khó chịu, đau nhức ở xương khớp.
Tình trạng đau nhức, khó chịu này có thể xảy ra thoáng qua rồi tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp gây đau dữ dội, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh.
Đặc biệt, ở những bệnh nhân có bệnh lý về xương khớp như viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa khớp thì tình trạng đau do thay đổi thời tiết càng nặng hơn”.
Điều nguy hiểm là khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp, người bệnh thường không đi thăm khám mà tự ý mua thuốc về uống, đắp vào vùng đau nhức để rồi không ít người gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
“Thực tế thăm khám bệnh, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do điều trị bệnh lý cơ xương khớp không đúng. Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam khoảng 55 tuổi, bị chấn thương gãy xương hở cẳng chân.
Bệnh nhân này không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị mà tự đắp thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Kết quả chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử nặng và phải nhập viện điều trị. Mặc dù bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nhưng do biến chứng quá nặng nên phải cắt cụt cẳng chân.
Trường hợp của bệnh nhân này rất đáng tiếc, vì nếu bệnh nhân đến viện điều trị đúng cách ngay từ đầu thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều” – BS Dũng chia sẻ.
Không chỉ gặp bệnh nhân bị biến chứng do đắp thuốc không rõ nguồn gốc, bác sĩ Dũng còn gặp nhiều bệnh nhân sử dụng các thuốc Tây y và Đông y có nguồn gốc nhóm Corticoid gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ.
Đặc biệt, Corticoid sử dụng bừa bãi, kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương. Tình trạng loãng xương thường gặp ở các vị trí như xương xốp như xương cột sống, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay…
Hay như nhiều bệnh nhân thấy chân tay hơi đau là đi đắp lá, đắp thuốc. Trong khi nguyên nhân gây đau có rất nhiều, có thể do thoái hóa, do chấn thương…
Đó cũng là nguyên nhân làm cho nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị không đúng, đắp cao ở nhiệt độ cao gây bỏng, apxe, cứng khớp…
Không ít trường hợp bệnh nhân bị tắc mạch chi, bệnh lý mạch máu nhưng không có chẩn đoán, cứ nghĩ đau xương khớp thông thường nên đi đắp lá dẫn đến hoại tử, máu không lưu thông…
Cơ xương khớp là cơ quan vận động của cơ thể, khi gặp các vấn đề về cơ xương khớp, bệnh nhân sẽ bị hạn chế trong các hoạt động sống hàng ngày. Do đó, khi mắc bệnh, tâm lý bệnh nhân thường nôn nóng muốn điều trị thật nhanh để quay lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, việc điều trị sai cách thường dẫn đến kết quả không được như ý muốn. Chính vì vậy, bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi xương khớp gặp các triệu chứng bất thường, tốt nhất là nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị đúng cách.
Người bệnh tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc, uống thuốc không rõ nguồn gốc, khi không tiến hành thăm khám.
Bởi, để quá trình điều trị có hiệu quả cần đạt được 2 việc là quá trình chẩn đoán và biện pháp điều trị.
“Việc sử dụng các biện pháp điều trị bằng bài thuốc dân gian như cây cỏ, rượu thuốc… có thể sử dụng với điều kiện có chẩn đoán bệnh chính xác.
Nhưng thực tế, đa phần người dân mình áp dụng các biện pháp điều trị đó thường qua truyền miệng, người nọ mách người kia mà không có thăm khám, chẩn đoán bệnh chính xác.
Việc không thăm khám, không chụp phim, làm các xét nghiệm… rất khó có thể chẩn đoán chính xác.
Y học hiện nay cho phép chụp những tấm phim rất hiện đại, chụp cộng hưởng từ, đánh giá chất lượng sụn, đánh giá tốc độ mòn của sụn… để biết khớp của mình hỏng đến độ mấy.
Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất. Có rất nhiều bệnh nhân sau thăm khám, bác sĩ Tây y chúng tôi chỉ định dùng Đông y điều trị để đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, việc điều trị bằng phương pháp nào, loại thuốc nào cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa” – BS Dũng cho hay.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Sử dụng cách này để chữa đau xương khớp có thể gây mất chân tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].