Tết Mậu Tuất: Mỗi ngày cả nước có gần 700 người nhập viện vì đánh nhau

Theo số liệu báo cáo từ Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết vừa qua, cả nước có đến 4.184 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, 37.000 ca nhập viện vì tai nạn giao thông và nhiều trường hợp bị thương nặng vì tai nạn sinh hoạt, pháo nổ...

Chiều 20/2 (tức mùng 5 Tết Mậu Tuất), Bộ Y tế đã có báo cáo Văn phòng Chính phủ về công tác y tế dịp Tết Mậu Tuất.

Theo đó, số liệu báo cáo được tổng hợp từ 1.300 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh thành và Y tế ngành trên toàn quốc. Qua đó cho thấy, trong những ngày nghỉ Tết, cả nước có gần 4.200 trường hợp đánh nhau đến khám tại các cơ sở y tế.

Bộ Y tế cũng đánh giá, tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau có giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, số ca phải nhập viện lại tăng cao (hơn 14%), con số này lên tới gần 3.000 trường hợp. Chưa kể tới, có đến 13 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cũng tổng hợp số liệu liên quan đến tình hình bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông trong ngày Tết. Theo đó, trong ngày mùng 3, mùng 4 Tết, số bệnh  nanhân nhập viện vì tai nạn giao thông tăng mạnh với con số hơn 37.000 ca. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp.

Cũng trong dịp Tết Mậu Tuất, các cơ sở y tế trong cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 28,4% so với 141 ca trong 6 ngày Tết Đinh Dậu 2017, không có ca tử vong.

Số liệu tổng hợp cho thấy số ca tai nạn do pháo nổ tăng cao so với năm 2017 đặc biệt trong ngày 30 và mùng 1 Tết. Có 75 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, tăng 46,7% so với 40 ca trong 6 ngày Tết Đinh Dậu 2017, không có ca tử vong.

Cùng với đó là sự gia tăng của số ca khám tai nạn sinh hoạt với hơn 16.000 bệnh nhân và có tới 14 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết, trong 6 ngày Tết Mậu Tuất, tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá là 3.075 trường hợp, trong đó 810 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (chiếm 26,3 %).

Trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa tiệc đông người.

Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, say rượu được ghi nhận tại các cơ sở điều trị, ghi nhận 468 trường hợp do ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Về tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Mậu Tuất, báo cáo của Bộ Y tế cho biết không ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) trên người, không ghi nhận trường hợp dương tính với vi rút Zika.

Tuy nhiên, báo cáo từ các cơ sở y tế đã ghi nhận 100 trường hợp mắc tay chân miệng, 168 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp mắc liên cầu lợn, 6 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (tại Hà Nội, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh), ghi nhận 2 trường hợp viêm màng não do mô cầu, 1 trường hợp ho gà, 4 trường hợp viêm não vi rút...

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan