Để góp phần khống chế đường huyết ở mức bình thường, không gây tăng đường huyết quá mức, không gây hạ đường huyết, đồng thời hạn chế được tăng lipid huyết tương, làm chậm bước tiến của xơ vữa động mạch ở bệnh nhân thừa cân, thì cần xây dựng chế độ ăn hợp lý, nhất là trong những ngày Tết.
Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường trong những ngày tết cần chú ý ăn ít chất.
Trong đó, chất đường bột từ bánh kẹo ngọt, mứt các loại, bánh chưng, cơm, cháo, phở, bún, miến, tất cả cộng lại không nên quá 120gram carbonhydrate.
Tốt nhất nên giảm đường bột, tỷ lệ calo do đường bột cung cấp chỉ nên là 45 -50%, do chất béo 25 - 30%, do chất đạm 15 - 20%. Nếu béo và cần giảm cân thì số calo chỉ nên là 20 kilocalo/kg thể trọng/ ngày.
Nên tăng cường những thức ăn từ rau, củ, quả ít ngọt, có nhiều chất xơ, cung cấp đủ vitamin nhất là vitamin nhóm B vì nó làm tăng chuyển hoá chất dường bột và ngăn ngừa tạo thể cetonic.
Cùng với đó, nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn những thức ăn có chỉ số đường huyết cao vì sau khi ăn lượng đường vào máu nhanh và tăng cao, ăn nhiều những thức ăn có chỉ số đường huyết thấp vì sau khi ăn những thức ăn này lượng đường vào máu từ từ vào ít cao hơn.
Không ăn nhiều để tránh tăng cân trong dịp Tết và nên kiêng hẳn hoặc hạn chế tối đa rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc.
Đặc biệt, trong những ngày Tết chúng ta thường ham vui và mải mê đi chơi. Do đó, việc giữ vững thành phần và thời gian ăn trong những ngày Tết là rất quan trọng.
Đồng thời, kết hợp với thể dục thể thao thường xuyên chính là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chế độ ăn cụ thể phải dựa trên từng bệnh nhân, cân nặng, lượng đường trong máu, bệnh đã có các biến chứng hay chưa.
Chính vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng nên thường xuyên luyện tập thể dục, khoảng 35 phút mỗi ngày, uống nhiều nước và phải tuyệt đối tuân theo lời khuyên của các bác sĩ cũng như sử dụng thuốc hoặc tiêm bổ sung insulin vào cơ thể giúp hạ đường huyết.
Đái tháo đường là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucoza máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin, hoặc cả hai.
Tăng glucoza máu mạn tính thường kết hợp với sự huỷ hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Đặc điểm nổi bật của tiền đái tháo đường là không có bất cứ một dấu hiệu hay một triệu chứng gì nên cần phải theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 bao gồm các yếu tố sau: Thường xuyên cảm thấy đói, cân nặng giảm ngoài ý muốn hoặc tăng cân, có triệu chứng tương tự như cúm bao gồm mệt mỏi, nhìn mờ, vết thương lâu lành hoặc xuất hiện nhiều vết thâm tím trên người, có cảm giác đau nhói hoặc mất cảm giác ở tay chân, hay bị nhiễm trùng lợi hoặc viêm da, hay bị viêm âm hộ hoặc nhiễm khuẩn bàng quang.
Và nguyên nhân có thể là do mất ngủ, có hội chứng chuyển hoá hoặc rối loạn glucoza máu, tăng huyết áp, tăng triglycerid máu, thừa cân béo phì, phụ nữ sinh con trên 4kg…
LinhBạn đang xem bài viết Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường dịp Tết thế nào là hợp lý? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].