Trong lúc đang vui chơi thì vô tình trẻ bị cành hoa cọ vào mặt, gai cành hoa đâm vào mắt gây rách giác mạc, đục thủy tinh thể.
Các bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới tiếp nhận 1 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rách giác mạch, đục thủy tinh thể do gai của cành hoa.
Theo gia đình kể lại, trước đó 1 ngày trẻ có vui chơi tại nhà và vô tình bị cành hoa cọ vào mặt. Sau đó trẻ có kêu đau, nhức, đỏ mắt và nhìn thấy mờ mắt trái. Gia đình đã đưa trẻ tới khám tại bệnh viện.
Qua tiến hành thăm khám, bác sĩ cho biết bệnh nhi bị rách giác mạc khoảng 1,5mm, có dịch chảy qua vết rách, tiền phòng của bệnh nhi xẹp hơn so với mắt phải và thủy tinh thể đang có dấu hiệu đục do giác mạc rách gây tổn thương thủy tinh thể.
Bệnh nhi được nhanh chóng tiến hành khâu, xử lý khâu giác mạc, bơm hơi tái tạo tiền phòng.
Bác sĩ Nguyễn Quang Khánh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết trường hợp của bệnh nhi sau khi điều trị ổn định sẽ tiến hành thay thủy tinh thể để tránh những biến chứng và giúp trẻ đạt được thị lưc tốt hơn sau chấn thương.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, với các trường hợp trẻ bị chấn thương chọc vào mắt có khoảng 10 – 20% trẻ bị mù lòa.
Còn lại chỉ một số ít trường hợp không bị ảnh hưởng nặng là do vết thương ở vùng ngoài mi, rách mi, vết thương ở phần nông do bị dị vật…
Trường hợp các cháu bị tổn thương rất nặng ở mắt, nhãn cầu vỡ, lòng đen tổn thương nặng, máu trong vẫn chảy sẽ phải tiếp tục làm phẫu thuật hút máu tụ. Nếu điều trị không đỡ nhiều khả năng sau này phải ghép giác mạc thì mới tránh khỏi nguy cơ mù lòa.
Khi trẻ bị dị vật đâm vào mắt, người lớn thường tìm cách để lấy dị vật ra cho trẻ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhãn khoa, cách làm này sẽ gây nguy hại cho trẻ, làm tổn thương các tổ chức ở mắt, dẫn đến hủy hoại mắt.
Với các trường hợp người bệnh bị rách giác mạc cần được băng che mắt, tuyệt đối không tự ý nhỏ thuốc, dụi mắt và chuyển ngay đến các sở y tế gần nhất. Bởi nếu trẻ không được xử trí kịp thời có thể gây viêm mủ nội nhãn, viêm màng bồ đào… và có thể gây mù lòa.
Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý khi trẻ vui chơi nên cho con tránh xa các dị vật có thể gây tổn thương.
Cần tuyên truyền, giáo dục về sự nguy hiểm của chấn thương mắt, biện pháp đề phòng và cách xử lý ban đầu để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Bởi giác mạc là phần dễ bị tổn thương nhất ở vùng mắt. Chỉ cần tiếp xúc với bụi, đất, cát thậm chí mép một tờ giấy có thể gây xước trợt giác mạc hoặc rách giác mạc. Trong một số trường hợp xước giác mạc bị nhiễm khuẩn và gây ra loét giác mạc dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng nếu không sơ cứu đúng cách, cấp cứu kịp thời.
Cách xử lý tốt nhất khi trẻ bị chấn thương ở mắt như sau:
- Vết thương ở mắt trẻ chia ra làm 2 nhóm, với trường hợp mắt trẻ bị bỏng do mỡ nóng, dầu rán, bỏng nước tẩy rửa vệ sinh, bỏng axit thì cần phải rửa càng nhanh, càng nhiều bằng nước sạch sẵn có, sau đó đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
- Còn đối với trường hợp trẻ bị tổn thương ở mắt dẫn đến chảy máu, người lớn không nên dùng khăn, băng gạc để đè nén lên mắt với mục đích cầm máu. Bởi, chấn thương ở mắt thường tạo thành lỗ xuyên vào bên trong nên việc ấn, bó chặt mắt sẽ làm tổn thương càng thêm nghiêm trọng.
- Khi thấy chảy máu ở mắt, đất cát bẩn ở mắt không nên dùng thuốc, nước muối để rửa, sát trùng, vì làm như vậy sẽ gây hại cho mắt nhiều hơn lợi.
Việc xối rửa mắt bằng kháng sinh, thuốc sát trùng, nước muối sinh lý không những không làm sạch vết thương mà còn làm nhiễm trùng mắt.
- Với những vật sắc nhọn chọc vào mặt trẻ phải giữ nguyên vị trí, không làm vật nhọn di chuyển để không gây tổn thương nặng nề hơn. Nếu vật nhọn là que dài gây khó khăn cho quá trình vận chuyển cần dùng vật sắc để cắt bớt ngắn đi.
- Cách tốt nhất khi trẻ bị vết thương chảy máu ở mắt là người lớn chỉ lên đặt một miếng gạc sạch, băng kín nhẹ nhàng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.