Loại thuốc NanoDrops đang được rao vặt có khả năng chữa trị mắt cận thị mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, sự thật sản phẩm mới chỉ được thử nghiệm trên... lợn.
Thuốc nhỏ mắt chữa cận thị có tên gọi NanoDrops bán với giá 500.000 đồng/lọ đang được rao phổ biến trên mạng xã hội và một số trang rao vặt dưới dạng hàng xách tay.
Trên một fanpage bán hàng có tên “NanoDrops Israel - Thuốc Nhỏ Mắt Chữa Cận” quảng cáo nó như một loại thuốc “tiên dược” với dòng ghi chú công dụng của sản phẩm như sau: "Có khả năng chữa trị mắt cận thị mà không cần phẫu thuật".
Cũng theo fanpage này, sản phẩm thuộc công ty NanoDrops eyes company Việt Nam, là nhà phân phối độc quyền loại thuốc nhỏ mắt NanoDrops.
Người bán khẳng định, sản phẩm được các bác sĩ chuyên khoa mắt Pastuer chứng nhận và đã được cấp phép nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn của Bộ Y Tế.
Kèm theo những lời quảng cáo, người bán đính kèm những giấy chứng nhận, chứng chỉ quốc tế để tăng độ tin cậy.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Gia Đình Mới, NanoDrops là loại thuốc nhỏ mắt mới do các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Shaare Zedek và Đại học Bar-Ilan ở Israel phát triển.
Nanodrops chứa các hạt nano có thể bám hoặc thấm trên bề mặt giác mạc, qua đó, làm thay đổi tính chiết quang của mắt. Khi tính chiết quang được thay đổi, nó sẽ kéo ảnh trong mắt của người cận hoặc viễn thị (đang hội tụ ở bên ngoài) về đúng vị trí võng mạc. Nhờ vậy mà những người có tật về mắt có thể nhìn rõ trở lại.
Đáng chú ý, theo các tài liệu công bố, công trình này đang trong quá trình nghiên cứu và mới chỉ thử nghiệm trên lợn, chưa được thử nghiệm trên người.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới về sản phẩm có tên Nano Drops, Ths. Bs Nguyễn Tiến Phúc – Phòng khám mắt EyeZone Hải Phòng cho biết, sản phẩm thuốc nhỏ mắt NanoDrops “thật” chưa hề có trên thị trường, nó mới chỉ được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên mắt lợn.
Như vậy, sản phẩm được bán trên mạng xã hội là thuốc giả. “Họ làm bao bì giả, đóng gói sản phẩm và rao bán. Chúng ta không rõ thành phần trong sản phẩm có gì”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Ngay như với những giấy chứng nhận của sản phẩm, theo Ths. BS Nguyễn Tiến Phúc, phần nhiều đều là giả mạo, bên cạnh đó, có một số chứng nhận không có căn cứ chứng minh trong dược phẩm.
“Họ đã tải tất cả các chứng nhận đó từ website của một công ty nước ngoài chuyên bán đồ mỹ phầm chế biến bằng nghệ tây và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Tất cả mọi thông tin đều y hệt nhau chỉ khác là đã được tẩy xóa tên sản phẩm cũng như công ty mà thôi", Ths. Bs Nguyễn Tiến Phúc phân tích.
Theo quy định, không thể có trường hợp, 2 sản phẩm khác nhau nhưng lại cấp trùng một mã đăng ký, trùng ngày tháng cấp phép cũng như hạn cấp phép trên hệ thống. Chưa kể, trong nội dung thuốc tra mắt còn “lẫn” một số thông tin liên quan đến củ nghệ tây và các loại hoa quả sấy khô.
Mặt khác, các chứng nhận HACCP, Organic... hoàn toàn là các chứng nhận dành cho các sản phẩm nông nghiệp và về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo bác sĩ khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc sử dụng dược phẩm, nhất là những loại thuốc đang tiến hành thử nghiệm trên động vật mà chưa có công bố chính thức của nhà sản xuất thì tuyệt đối không sử dụng.
“Một dược phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ cần đảm bảo rất nhiều khâu đoạn nghiêm ngặt, từ việc thí nghiệm, thử nghiệm trên người tình nguyện, sau đó mới thẩm định tiêu chuẩn trước khi cấp phép...
Bất cứ sản phẩm nào còn trong phòng thí nghiệm sẽ không bao giờ có mặt ngoài thị trường”, bác sĩ Phúc cho biết.