Cán bộ, công nhân ngành đường sắt nói riêng đang phản ứng với hàng loạt tiêu chuẩn trong Dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu do Bộ Y tế soạn thảo.
Theo Dự thảo, người lao động phải đảm bảo hàng loạt các tiêu chuẩn từ thẩm mỹ, chức năng sinh lý, bệnh lý.
Ngoài những yêu cầu hợp lý như nhân viên không mắc các bệnh lây nhiễm, không đảm bảo sức khỏe phục vụ công việc còn một số tiêu chuẩn đó có thể “làm khó” người lao động về sau, gián tiếp đuổi việc rất nhiều lao động đường sắt.
Điển hình như, chuyện răng vổ, ngực lép, đàn ông thiếu tinh hoàn còn phụ nữ đẻ mổ cho tới nứt hậu môn, bị trĩ, rong kinh, thừa cân, giun chỉ… cũng không được làm việc trong ngành đặc thù đó.
Chưa kể, khi ứng tuyển, nhân viên đường sắt không được có sẹo về mắt, không sụp mí, khuyết vành mi, không dị dạng vành tai, không nói lắp, nói khàn, nói khó. Những người sâu men, viêm răng, mất sức nhai cũng có thể không đủ điều kiện sức khỏe.
Những quy định này khiến ngay cả người làm chuyên môn ngành y cũng bày tỏ không ít sự khó hiểu. Một nữ nhân viên đường sắt phân tích: “Vì hàng trăm tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn nào cũng khắt khe quá. Như Bộ giải thích, phải chăng ngực bé là không thể thở còn nói khàn là khách hàng không hiểu được”.
Một nhân viên gác chắn đường sắt chia sẻ: “Giờ công nhân trong ngành chán nản, mệt mỏi, làm tăng ban suốt không được nghỉ ngơi. Dù ngành kiến nghị tuyển thêm người vào mà chẳng có hồ sơ xin vào chứ chưa nói gì đến việc chờ ra Dự thảo như vậy chắc đường sắt phá sản vì không còn ai làm mất”.
Theo dự thảo, nhân viên trực tiếp phục vụ đường sắt được chia thành 3 nhóm: Lái tàu, phụ tàu; Trưởng tàu, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe; Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm, gác đường ngang, cầu chung.
Với các nhân viên này, Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe gồm 2 tiêu nhóm tiêu chí: Về thể lực và chức năng sinh lý, bệnh tật. Có từng tiêu chí riêng dành cho khám tuyển dụng nhân viên hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Về tiêu chuẩn thể lực: Các đối tượng trên đều phải đạt chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay, lực kéo thân.
Về chức năng sinh lý: Trong mục liên quan đến hệ tiết niệu - sinh dục, nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Tương tự với vị trí này ở nữ, sẽ loại các trường hợp bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ, u nang buồng trứng...
Những người tuy đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng ngoại hình có dị tật, tật ảnh hưởng đến công tác và giao tiếp... cũng không tuyển dụng làm lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu.
Thông tư này chỉ áp dụng cho các nhân viên được tuyển dụng khi chính thức ban hành.
Xem chi tiết thông tư TẠI ĐÂY
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Răng vổ, ngực lép, mắt sụp mí... không được làm nhân viên ngành đường sắt? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].