Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề xuất Chính phủ tăng số lượng hiệu phó từ 2 lên 3 với các trường có 45 lớp học trở lên.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, theo Nghị định 120 năm 2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, mỗi cơ sở giáo dục công lập không quá hai cấp phó.
Quy định này gây khó khăn cho Hà Nội, bởi đặc thù dân số đông, số lượng trường chuyên, trọng điểm quốc gia lớn khiến tỷ lệ các trường trên 45 lớp học của thành phố khá cao nên việc chỉ có hai hiệu phó gây khó khăn trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành tại các trường.
Do vậy, người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô đề xuất với Bộ GD&ĐT để Hà Nội có thể tăng số lượng hiệu phó từ hai lên ba với các trường có 45 lớp học trở lên.
Ông Cương cũng đề xuất cho ngành GD&ĐT Hà Nội có cơ chế đặc thù trong tính diện tích sàn thay vì đất sử dụng/học sinh để công nhận trường chuẩn quốc gia. Hiện các quận nội thành Hà Nội gặp quá tải về số lượng học sinh. Trong khi đó, tại thông tư 18 năm 2018 của Bộ GD&ĐT, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10m2/học sinh (ngoại thành).
Tính đến hết tháng 6/2022, toàn TP Hà Nội có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên, học viên.
Thủ đô cũng có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Năm học 2021-2022, Hà Nội xây mới, thành lập mới 6 trường học; cải tạo, sửa chữa 45 trường; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.