Số ca mắc tay chân miệng đang điều trị tại BV Nhi Trung ương là 125 ca, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những ngày gần đây, mỗi ngày BV Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 5 – 6 bệnh nhi bị tay chân miệng nhập viện ở mức độ nhẹ 2A, có một vài trường hợp mức độ 2B.
Mới vào đầu mùa dịch bệnh tay chân miệng nhưng từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 125 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù các ca tay chân miệng vào viện không có trường hợp biến chứng nặng, nhưng TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định, sự gia tăng này cũng là một lời cảnh báo khi dịch bệnh tay chân miệng đang vào mùa.
Vào nhập viện tối qua, bé T. (13 tháng tuổi) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều sau sốt. Tại nhà, trẻ được gia đình cho đi khám tư và được chẩn đoán tay chân miệng thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà.
Nhưng, sau một ngày sốt, bé liên tục nôn trớ, gia đình vội vã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận, bé T. có biểu hiện điển hình của tay chân miệng với những nốt mọc nhiều chân tay. Virus này cũng gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa cho cháu bé khiến trẻ bị nôn trớ.
Cùng nằm điều trị tại bệnh viện, sức khỏe bé H. (19 tháng tuổi) đã đỡ hơn sau ba ngày điều trị tay chân miệng, bé giảm sốt dần dần.
Trước khi nhập viện, bé H. được mẹ cho đi khám gần nhà và được bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi tay chân miệng. Nhưng vì chủ quan, nghĩ nhà gần bệnh viện nên mẹ bé đã xin cho con về nhà chăm sóc.
Tuy nhiên, khi được chăm sóc tại nhà, bé H. không hạ được cơn sốt, càng về chiều lại càng sốt cao hơn nên gia đình đã đưa con đến BV Nhi Trung ương nhập viện. Sau ba ngày điều trị, chiều nay, H. sẽ được các bác sĩ cho xuất viện.
Bác sĩ Lâm cho biết thêm, hiện trung tâm không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh nặng. Bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh ở mức độ 1 như sốt nhẹ, kèm theo ban ở lòng bàn tay, bàn chân có thể cho về điều trị, chăm sóc tại nhà. Với những bệnh nhi có biểu hiện bệnh sốt cao, mạch nhanh được các bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi chăm sóc.
Hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn. Thông thường diễn biến bệnh tay chân miệng trong 5-7 ngày, nhưng nếu trẻ có biểu hiện nặng sớm thì ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, trẻ đã có biểu hiện của nặng.
Do đó, để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, bác sĩ Lâm khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo phát ban lòng bàn tay, chân, mông, ngực, miệng, cần cho trẻ đi khám để phân loại.
Với những trường hợp trẻ sốt nhưng không biểu hiện thần kinh, đáp ứng với thuốc hạ nhiệt thì hướng dẫn gia đình theo dõi tại nhà.
Trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên theo dõi tại các cơ sở y tế, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, bệnh tay chân miệng lây qua tiêu hóa, tiếp xúc, giọt bắn và lây từ người sang người. Vì vậy điều kiện khí hậu, môi trường tập trung đông người, thói quen vệ sinh là yếu tố làm cho lây bệnh.
Do đó, để phòng bệnh tay chân miệng, cha mẹ phải bảo đảm giữ khoảng cách, giữ thói quen vệ sinh tay, đồ chơi của trẻ phải giữ sạch để tránh tình trạng lây chéo.
Gia đình cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm dễ tiêu, bảo đảm dinh dưỡng để tăng cường cho trẻ. Đồng thời, cần vệ sinh thân thể hàng ngày cho bé, khi tắm tránh gió lùa. Với những vết trong họng phải cho trẻ xúc miệng theo hướng dẫn và bôi thuốc giảm đau.