Báo Điện tử Gia đình Mới

Bị sốt, nôn 4 ngày liền, bé gái 6 tháng tuổi vào viện mới biết mắc tay chân miệng

Sau hơn 4 ngày liên tục bị sốt và nôn ói tại nhà, bé gái 6 tháng tuổi được đưa vào viện và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ nặng.

Ngày 13/4, BV Nhi đồng Thành phố thông tin, đơn vị này vừa cứu sống bé gái tên T.V.M.N. (6 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp), bị bệnh tay chân miệng độ nặng.

Theo người nhà bệnh nhi, bé bị sốt và ói liên tục hơn 4 ngày liền và được đưa đến BV Nhi đồng Thành phố trong tình trạng bệnh trở nặng nhanh, mạch đập nhanh dồn dập trên 200 lần mỗi phút, bé bứt rứt lơ mơ.

Các bác sĩ phát hiện nốt hồng ban nhỏ đơn độc tại ngón chân trẻ, chẩn đoán mắc tay chân miệng độ nặng và khẩn trương đặt ống thở hỗ trợ thở máy.

Kết quả xét nghiệm dịch phết họng và phết trực tràng của bé phát hiện ra tác nhân virus EV71 - một chủng dễ chuyển nặng và gây viêm não của bệnh tay chân miệng.

  Bệnh nhi bị tay chân miệng biến chứng nặng đang được điều trị và theo dõi sức khỏe

Bệnh nhi bị tay chân miệng biến chứng nặng đang được điều trị và theo dõi sức khỏe

Theo BSCK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhi ngay lập tức được sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm mạch, khẩn trương thiết lập đường truyền trung tâm, tiến hành lọc máu khẩn trong ngày, lọc bớt độc chất và giảm gánh cho tim cũng đang tổn thương dần vì đập quá nhanh.

Rất may sau khi áp dụng các biện pháp tích cực, chỉ sau 2 ngày, mạch của bệnh nhi giảm còn 140 lần/phút, men tim hồi phục, tỉnh táo dần và sẽ được theo dõi sát tiến trình hồi phục những ngày sắp tới.

Tại BV Nhi đồng Thành phố, số trẻ nhập viện vì tay chân miệng đang tăng lên từng ngày về lượng tại khoa Nhiễm (hơn 40 bé tay chân miệng các cấp độ), và nặng nề cả về các biến chứng thần kinh tim mạch nguy hiểm của bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO