Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 5 đến 11/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, rải rác tại 9 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, phân bố rải rác tại 67 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã, tăng 62 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thông báo từ Bộ Y tế, cộng dồn từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc tay chân miệng, 04 tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1), Đắk Lắk (1). So với cùng kỳ năm 2020 số mắc cả nước tăng 4,3 lần.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn thành phố, hàng năm ghi nhận từ 1.000 – 3.000 trường hợp mắc. Bệnh này thường gia tăng vào khoảng tháng 4-5 và tháng 9-10. Số mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, dịch bệnh này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi).
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Nhưng ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Do đó, khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh tăng nặng để ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời:
- Trẻ sốt cao
- Thở bất thường
- Quấy khóc liên tục
- Khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà
- Giật mình, hốt hoảng, chới với
- Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng
- Run tay, chân hoặc co giật
- Vã mồ hôi
- Nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú
- Yếu tay chân
- Da nổi nốt, vân tím hoặc xanh tái
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội: Bệnh tay chân miệng gia tăng, cha mẹ cần chú ý những dấu hiệu nguy hiểm nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].