Trong quá trình chuyển dạ, người mẹ gặp phải tai biến, dây rốn lọt xuống trước và mắc khẹt khiến cả 3 mẹ con rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Các bác sĩ BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ) vừa giúp một sản phụ vượt cạn thành công khi mà ranh giới sinh tử chỉ còn mong manh như sợi tóc.
Thai phụ Đ.T.T.H. mang thai lần thứ ba vào phòng cấp cứu trong trạng thái chuyển dạ, đau bụng, vỡ ối sớm, khám sơ bộ khi chưa cần làm bất cứ kỹ thuật cận lâm sàng nào các bác sĩ đã nhận định đây là một tai biến đặc biệt nguy hiểm mà bà mẹ và em bé đang phải đối mặt.
Tai biến do quá trình chuyển dạ dây rốn lọt xuống trước và mắc kẹt, trong sản khoa thường gọi là sa dây rốn.
Việc cấp máu và oxy cho thai nhi bị ngừng trệ đột ngột, trong tử cung tim thai chỉ còn đập rời rạc.
Xác định đây là một trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, các bác sĩ đã kích hoạt báo động và đưa ngay thai phụ lên phòng mổ khi chưa kịp khai thác đầy đủ thông tin và chưa làm đủ các xét nghiệm cần thiết cho một cuộc đẻ hoặc cuộc mổ.
Nhờ sự phối hợp cực kỳ ăn khớp giữa bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ sơ sinh, phẫu thuật viên... nên chỉ chưa đầy 5 phút, tại phòng mổ, kíp phẫu thuật đã lấy ra một bé gái trong trạng thái tím tái, suy hô hấp, tim đập rời rạc.
Tuy nhiên, do thời gian bị ngừng cấp oxy chưa dài nên sau ít phút cấp cứu, bé gái sơ sinh đã hồi tỉnh, khóc tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định. Hiện, sức khỏe của cả mẹ và bé gái sơ sinh đang dần ổn định và được nhân viên y tế chăm sóc.
Theo các bác sĩ, sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối) hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối.
Đây là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng thai bị chết trong vòng 30 phút.
Về phía mẹ: Những người đẻ nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt gây các ngôi bất thường; khung chậu hẹp, méo; có khối u tiền đạo.
Về phía thai: Đối với các ngôi bất thường, ví dụ ngôi ngược, ngôi ngang do ngôi không tỳ vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi; sa một chi làm dây rốn sa theo.
Về phía phần phụ của thai: Đa ối làm ối căng quá mức, có thể vỡ đột ngột kéo dây rốn sa theo; dây rốn dài bất thường; rau bám thấp. Ngoài ra, nếu bấm ối trong cơn co khi ngôi còn cao lỏng thì cũng dễ bị sa dây rốn.
Có thể chẩn đoán sa dây rốn trong quá trình chuyển dạ. Khi đó, có thể nhìn thấy dây rau sa ra ngoài âm hộ, thăm âm đạo thấy dây rốn nằm cuộn trong âm đạo; hoặc thăm âm đạo thấy dây rốn ở cổ tử cung bên cạnh ngôi qua màng ối chưa bị vỡ (sa dây rốn bên ngôi trong bọc ối) hoặc dây rốn ở trước ngôi trong bọc ối chưa bị vỡ (sa dây rốn trước ngôi trong bọc ối). Cổ tử cung thường chưa mở hết.
Ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường.
Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ.
Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu ôxy.
Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút thì may ra mới cứu được trẻ.
Khi bị sa dây rốn, thai phụ có thể cảm thấy dây rốn trong vùng kín. Khi cảm thấy sự bất thường, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp về tình trạng mắc sa dây rốn.
Thai phụ không nên cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì có thể thai phụ sẽ sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Trong khi chờ xe cấp cứu đến, để giảm rủi ro cho việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều, bác sĩ khuyên thai phụ nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà.
Để hạn chế tai biến nguy hiểm, nếu chị em nằm trong nhóm những nguy cơ cao mắc sa dây rốn như đã nêu ở trên, sau tuần thứ 38 của thai kỳ nên thường xuyên đến bệnh viện khám hoặc lưu trú lại viện để được xử trí kịp thời khi có chuyển dạ.