Các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đức Giang mới tiếp nhận bệnh nhân Vũ Thị L. (sinh năm 1991, ở Nam Trực, Nam Định) vào cấp cứu với tình trạng vỡ ối.
Ngay lập tức người bệnh được thăm khám và kết quả sau khám cho thấy, thai phụ chuyển dạ, con so, thai 37 tuần, ngôi đầu, ối vỡ sớm và sa dây rốn.
Trước đó thai phụ chưa đăng ký sinh tại bệnh viện nên các kết quả xét nghiệm, siêu âm chưa có, nhưng sa dây rốn, đặc biệt khi có vỡ ối, còn tim thai thì đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, nếu không tiến hành phẫu thuật nhanh, xử trí đúng sẽ không cứu được thai nhi.
Cả kíp trực đã rất khẩn trương mỗi người một việc, đặt sản phụ nằm cáng và đẩy vào phòng mổ, đồng thời một nhân viên y tế đặt tay vào âm đạo sản phụ đẩy đầu thai nhi liên tục lên để tránh tình trạng kẹt dây rốn giữa đầu thai nhi và khung chậu người mẹ.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, nỗ lực, khẩn trương giữa khoa Sản, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, cả e kip phẫu thuật vỡ òa trong niềm vui khi em bé cất tiếng khóc chào đời.
Ngay sau bóc rau, các bác sĩ đã phát hiện sản phụ bị dây rốn bám màng, với bệnh cảnh này nguy cơ đứt dây rốn khi chuyển dạ dẫn đến mất tim thai là rất lớn.
Nguy hiểm hơn nữa là ngay sau bóc rau người bệnh lại xuất hiện tình trạng đờ tử cung, các bác sĩ vừa phải xoa bóp tử cung, khâu cầm máu phối hợp sử dụng các thuốc tăng co tử cung, sau 15 - 20 phút thì tử cung sản phụ đã co hồi được.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, khoa Phụ, Bệnh viện ĐK Đức Giang cho biết: Đây là một ca bệnh khó, tối cấp cứu sản phụ bị sa dây rốn tới 15 cm ra ngoài âm hộ, các bác sĩ phải mổ lấy thai nhanh.
Hơn nữa, khi bóc rau thì phát hiện dây rốn bám màng nguy cơ mất tim thai trong bụng mẹ rất cao, thêm vào đó là tình trạng sản phụ bị đờ tử cung (tỉ lệ thai phụ bị khoảng 6% với trường hợp sinh mổ và 7% đối với trường hợp sinh thường, rất ít gặp). Hiện tại sản phụ đã ổn định và chuyển về buồng điều trị khoa Sản.
Qua trường hợp của bệnh nhân, bác sĩ Tiến cũng đưa ra lời khuyên, các bà mẹ đang mang thai hãy đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám định kỳ, đăng ký sinh sớm để làm trước các xét nghiệm, siêu âm cần thiết trước sinh.
Với những sản phụ bị ối vỡ cần phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, khi gặp sa dây rốn, cần đặt sản phụ nằm đầu thấp, kê cao mông, dùng thuốc giảm co bóp tử cung trước vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng chuyên môn phẫu thuật để xử trí kịp thời.
L.MinhBạn đang xem bài viết Thai phụ bị sa dây rốn, dây rốn bám màng, đờ tử cung nguy hiểm được cứu sống thành công tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].