Trong nhiều trường hợp, cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ sẽ được công nhận là Liệt sĩ và Nhà nước có quy định cụ thể về chế độ đối với những liệt sĩ.
Tại Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2018 (gọi tắt là Pháp lệnh) có quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Theo Điều 11 Pháp lệnh người có công với cách mạng 2005, sửa đổi bổ sung 2018 (gọi tắt là Pháp lệnh) quy định, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
- Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
- Làm nghĩa vụ quốc tế;
- Đấu tranh chống tội phạm;
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân;
- Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người mất tin, mất tích trong các trường hợp như trên;
- Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
- Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh chết vì vết thương tái phát (theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này)
- Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d,đ, e và g khoản này.
Căn cứ theo Điều 11 Pháp lệnh, liệt sĩ sẽ được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng tại quê hương.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị của liệt sĩ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi gia đình liệt sĩ cư trú tổ chức trọng thể lễ truy điệu liệt sĩ.
Nhà nước và Nhân dân xây dựng, quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình liệt sĩ ghi công liệt sĩ, bao gồm phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ.
Thân nhân, gia đình Liệt sĩ cũng có những chế độ:
Thứ nhất, hưởng trợ cấp:
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này là 1.624.000 đồng.
Căn cứ theo bảng Phụ lục I tại Nghị định 58, Điều 20 Nghị định 31/2013/NĐ-CP, thân nhân, gia đình liệt sĩ được hưởng các khoản trợ cấp như sau:
Trợ cấp 1 lần khi báo tử: Bằng 20 lần mức chuẩn là 1,624 x 20 = 32,480 triệu đồng
Trợ cấp hàng tháng:
- Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ: 1,624 triệu đồng
- Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ: 3,248 triệu đồng
- Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên: 4,872 triệu đồng
- Trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng): 1,624 triệu đồng
- Đối với các thân nhân: Cha mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa; Con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng thì được trợ cấp: 1,299 triệu đồng
Thứ hai, được mua thẻ bảo hiểm y tế miễn phí
Ngoài các khoản trợ cấp trên, thân nhân liệt sĩ còn được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo điểm i khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm Y tế.
Khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thân nhân của liệt sĩ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả nhưng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư, dịch vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thứ ba, được điều dưỡng phục hồi sức khỏe
Theo điểm e, khoản 2, Điều 14 Pháp lệnh, cha đẻ, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần.
Mức chi phí cụ thể được quy định tại Điều 53 Nghị định 31/2013/NĐ-CP như sau:
- Mức chi điều dưỡng tập trung là 2,220 triệu đồng/người/lần;
- Mức chi điều dưỡng tại nhà là 1,110 triệu đồng/người/lần.
Thứ tư, đối với con liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm
Khoản Điều 4 Pháp lệnh quy định, con liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.
Các chế độ cụ thể như:
- Được cộng 0,5 điểm ưu tiên khi thi THPT Quốc gia (theo điểm c khoản 2 Điều 39 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT);
- Miễn gọi nhập ngũ (theo khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự);
- Trợ cấp hàng tháng tại các trường đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú là 1,624 triệu đồng/tháng (theo quy định tại Nghị định 58).
Theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 13, người thờ cúng liệt sĩ là người con hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; trường hợp không có hoặc không còn con thì là người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000 đồng theo điều 21 Nghị định 13.