Phụ nữ trầm cảm sau sinh: Tại sao luôn muốn giết con và tự tử?

Nhiều phụ nữ trầm cảm thường có xu hướng tự làm đau chính mình, tự tìm lối thoát bản thân bằng việc giết mình, giết con…

Sáng ngày 21/7, cộng đồng bàng hoàng với câu chuyện một người phụ nữ nghi trầm cảm sát hại con và cháu mình. Tối ngày 20/7, khoảng 19 giờ 30 phút, người dân sinh sống tại khu đô thị T.H phát hiện một phụ nữ (sinh năm 1985) có ý định tự tử nên can ngăn.

Chị luôn miệng nói “tôi giết con tôi rồi!”. Sau đó, khi đưa được chị xuống nhà, mọi người phát hiện hai cháu bé gồm một trai, một gái bị thắt cổ và đã tử vong.

Người dân khu vực vẫn chưa hết bàng hoàng.
Người mẹ đã được đưa về cơ quan điều tra, làm rõ sự việc.

Đây không phải vụ việc duy nhất xảy ra ở Việt Nam, trước đó, dư luận nhiều lần xôn xao trước các thông tin mẹ trầm cảm giết hại con 35 ngày tuổi tại huyệnThạch Thất, Hà Nội, mẹ giết con trai 3 tuổi chỉ vì chồng ăn chơi trác táng ở Đồng Nai… 

Vụ mẹ trầm cảm giết con sau 35 ngày tuổi gây chấn động dư luận vào khoảng cuối năm 2017

Hậu quả để lại của những sang chấn tâm lý, trầm cảm ở phụ nữ vô cùng nguy hiểm. Bệnh không chỉ khiến phụ nữ suy sụp, điên loạn… nó còn có thể cướp đi những tính mạng ngây thơ của các cháu nhỏ. 

Lý giải với Gia Đình Mới, TS.BS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, cơ cấu sinh lý như kinh nguyệt, chửa đẻ, mãn kinh, vô sinh… của phụ nữ khiến cho họ dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm. Có đến 10% phụ nữ sau sinh có thể mắc bệnh. 

“Do biến đổi nồng độ hormon steroid, đặc biệt là estrogen gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh. Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau đẻ, có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn hơn, thường vào khoảng 3 tháng.

Hay có một số người, do gia đình thường xuyên cãi nhau, luôn trong trạng thái căng thẳng, gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống cũng có thể mắc bệnh.

Khi bị trầm cảm, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, dễ bị kích thích, luôn phàn nàn, chán chường. Đôi khi họ rối loạn giấc ngủ, luôn có ám ảnh mình không biết nuôi con và buồn chán, khóc lóc. 

TS.BS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Khi bệnh nặng, những phụ nữ trẻ có thể đột ngột xuất hiện những cơn hoảng sợ, luôn thấy bất an nên tấn công người khác. Vì thế, giai đoạn bệnh này, phụ nữ có thể gây nguy hiểm với con. Chính vì thế, các sự việc mẹ giết con đau lòng có cơ hội xảy ra”.

Bác sĩ cũng cho biết, với trầm cảm, các triệu chứng có thể kéo dài dai dẳng sau hơn một năm hoặc trở thành tâm thần phân liệt nếu không được điều trị đúng cách.

Để tránh những đau lòng do căn bệnh trầm cảm gây ra, bác sĩ khuyến cáo, gia đình nên đặc biệt chú ý những người có tính nội tâm vì đây là đối tương rất dễ mắc bệnh.

Họ ít khi biểu lộ suy nghĩ của mình cho người khác, vì thế, sau một quá trình âm thầm chịu đựng, đến khi không còn khả năng chịu đưng, họ sẽ phát bệnh. 

Với những phụ nữ sau sinh, cách phòng bệnh trầm cảm tốt nhất là nên trao đổi tâm tư, chia sẻ với những người thân, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ rất có hiệu quả. Khi gia đình nhận thấy các biểu hiện khác lạ của sản phụ, cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. 

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan