Trong lúc cộng đồng mạng sôi sục về cách đánh vần theo hình thức “ô vuông, tam giác”, giữa hàng loạt tranh cãi, bức xúc của dư luận, nhiều phụ huynh đã và đang có con theo học lên tiếng.
Không hiệu quả thì không kéo dài liên tục 40 năm
(Chị Nguyễn Lan Anh, Phụ huynh có 2 con từng theo học tại trường Tiểu học Thực Nghiệm (khoá 2006-2011 và khoá 2011-2016)
Cách học kiểu thực nghiệm không phải mới, mà đã được khởi đầu từ năm 1978.
Trên mạng xã hội đang có một số điểm bị chê là các đoạn văn trúc trắc khó đọc, không trong sáng, nhưng nhìn chung nhìn vào kết quả, trẻ con học tốt, không sai chính tả, so với cách thông thường kết quả không kém hơn.
Với tôi, có thể có nhiều con đường đi đến đích, cách dạy thực nghiệm cũng hướng đến kết quả trẻ biết đọc biết viết, có tư duy độc lập, yêu gia đình, cha mẹ, đất nước, thầy cô, trở thành công dân tốt, thì 40 năm nay thực tế chứng minh học thực nghiệm hay học sách bình thường đều đến đích này.
Tôi rất tiếc khi cộng đồng mạng chỉ trích về cách dạy này thông qua một vài điểm khác với thông thường, nhưng nếu cách dạy này không có hiệu quả không thể kéo dài liên tục trong 40 năm.
Hai con tôi đều học theo phương pháp trên, tại trường Thực Nghiệm và khi trường cho chọn học sách bình thường hay sách thực nghiệm, gia đình đã chọn sách thực nghiệm. Chúng tôi hoàn toàn hài lòng về cách nhà trường dạy chữ và dạy nhân cách cho các con.
Con tôi học vẫn tốt nghiệp Đại học Y
(Chị Ngô Thanh Hằng, Phụ huynh có con từng theo học phương pháp đánh vần “ô vuông, tam giác” từ những năm 1994 - 1995)
Thời điểm cậu con trai tôi học tiểu học tại một trường thực nghiệm của TP. Thái Nguyên (hình như cũng là duy nhất của Thái Nguyên khi đó), trường có áp dụng phương pháp dạy sách công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.
Thời điểm đó tôi thấy, chữ viết theo công nghệ đơn giản, ít nét và học sinh dễ viết hơn chữ truyền thống. Tôi còn nhớ hồi đó, chương trình thực nghiệm chỉ có đến tiểu học. Vì thế, lên THCS, con lại học theo phương pháp cũ. Con tôi cũng không gặp khó khăn gì trong tiếp thu kiến thức. Cháu vẫn tốt nghiệp phổ thông, vẫn đỗ Đại học Y Hà Nội.
Như vậy có thể nói, việc học theo phương pháp công nghệ giáo dục không ảnh hưởng xấu đến quá trình học của trẻ. Nhiều bạn học chương trình thực nghiệm với con tôi cũng học rất giỏi và nhiều cháu cũng đỗ các trường Đại học và trưởng thành.
Đi học ở trường thực nghiệm là hạnh phúc
(Chị Hà Việt Anh - cựu học sinh khoá K2, có 2 con học khóa K26 và K34 trường Thực nghiệm Hà Nội)
Tôi có 2 con trai và cháu ruột đều đã và đang học Thực nghiệm. Con trai đầu nhà tôi giờ đã đi du học ở Đức. Cháu học từ mẫu giáo thực nghiệm đến hết lớp 12, sau đó qua Đức du học. Con trai thứ 2 nhà tôi đang học lớp 8, còn cháu ruột tôi sau khi học hết cấp 1 đã đang Singapore du học theo diện học bổng A*star.
Tôi nói điều này không phải để khoe khoang mà chỉ muốn khẳng định kết quả học tập của tôi và các con, cháu tôi đã theo học phương pháp thực nghiệm nói trên. Do đó, dù ai có phủ nhận phương pháp công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại thì đó là quyền của họ.
Chỉ biết rằng từ cách đây 40 năm, nếu khẩu hiệu của các trường học là “Tiên học lễ - Hậu học Văn" thì khẩu hiệu của trường Thực Nghiệm chúng tôi là “Đi học là hạnh phúc - mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.
Khi các bạn cùng trang lứa ở trường khác còn đang ê a đánh vần thì học sinh Thực Nghiệm chúng tôi đã đọc thơ lục bát. Khi các bạn trường khác đánh vật với việc tả người, tả cây, tả mưa thì chúng tôi cùng nhau đọc Paustovsky, Chekhov, Balzac, Hugo…
Khi trường trường lớp lớp viết theo văn mẫu thì với một đề Văn, trong lớp tôi người viết văn, người viết đồng dao, người làm thơ, thậm chí có người vẽ để trả bài cho cô. Khi chưa thực sự hài lòng về phương pháp giáo dục hay thái độ của thầy cô với học trò chúng tôi sẵn sàng lên gặp ban giám hiệu để phản ánh, nói lên tiếng nói của mình…
Và còn nhiều, còn rất nhiều điều khác biệt nữa chúng tôi được hưởng nhờ Công nghệ giáo dục, nhờ triết lí giáo dục đầy tính nhân văn mà GS. TSKH Hồ Ngọc Đại mang đến cho chúng tôi và con cháu chúng tôi trong suốt 40 năm qua.
Dưới mái trường Thực Nghiệm thân yêu chúng tôi luôn được yêu thương, được tôn trọng, được chấp nhận như chúng tôi vốn có, được tự tin là chính mình.
Được biết, phương pháp học đánh vần “ô vuông, tam giác” của chương trình Giáo dục công nghệ được áp dụng ban đầu tại trường Thực Nghiệm (Hà Nội) cách đây 40 năm. Sau đó, phương pháp này được rất nhiều trường trên toàn quốc lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy.
Theo số liệu từ GS. Hồ Ngọc Đại, hiện nay, phương pháp này được áp dụng khoảng 800.000 học sinh ở 50 tỉnh thành trong cả nước. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cho biết, đây là chương trình được tổ chức nhiều năm nay, không phải phát hiện lạ.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, phương pháp không phải thí nghiệm mà sẽ được triển khai nếu địa phương có nhu cầu.