Khác biệt của sách Công nghệ Giáo dục so với sách học cũ
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ. Theo đó, chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” và thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.
Trong Công nghệ Giáo dục, học sinh cần phân biệt rõ âm và chữ. Âm là vật thật, âm thanh. Chữ là vật thay thế, dùng để ghi lại, cố định lại âm. Theo đó, không phải lúc nào cũng có sự tương ứng 1-1 giữa âm và chữ. Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m,...).
Tuy nhiên, theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau. Do đó, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h.
Có những trường hợp một âm không phải chỉ được ghi lại bằng một chữ mà có thể là 2, 3, 4 chữ; do đó, cần có căn cứ luật chính tả.
Ví dụ : Âm /ngờ/ được ghi bằng 2 chữ: ng và ngh (ngờ kép).
Âm /cờ/ được ghi bằng 3 chữ: c (cờ), k (ca) và q (cu).
Âm /ia/ được ghi bằng 4 chữ: iê, ia, yê, ya
Bảng âm vần theo sách công nghệ giáo dục lớp 1
a, ă, â, b, ch, e, ê, g, h, i, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, o, ô, ơ, ph, s, t, th, u, ư, v, x, y
Riêng các âm: gi; r; d đều đọc là “dờ” nhưng cách phát âm khác nhau.
c; k; q đều đọc là “cờ”.
i, ai, ôi, ơi, ui, ưi, ay, ây, eo, ao, au, âu, iu, êu, ưu, on, an, ăn, ân, ơn, ưn, ôn, in, un, om, am ăm, âm, ôm, ơm, êm, em, im, um, ot, at, ăt, ât, ôt, ơt, et, êt, ut, ưt, it (Vẫn phá tâm như cũ)
Cách đánh vần Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1
Chẳng hạn: Chữ b, tên gọi là "bê", âm đọc là "bờ". Để nhớ và phân biệt tên gọi và âm đọc có thể dùng câu sau:
Chữ "bê" (b) em đọc là "bờ"
Chữ "xê" (c) em đọc là "cờ", chuẩn không?
Đặc biệt có 3 chữ cái c (xê), k (ca), q (quy) đều đọc là "cờ". Theo thầy Trần Mạnh Hưởng thì chữ q không gọi tên là "cu" nữa mà gọi tên là "quy".
Đánh vần theo cơ chế 2 bước:
Bước 1: Đánh vần tiếng thanh ngang (khi đánh vần tiếng thanh ngang, tách ra phần đầu / phần vần).
Ví dụ: ba : /bờ/ - /a/ - /ba/
Bước 2: Đánh vần tiếng có thanh (khi đánh vần tiếng có thanh khác thanh ngang: Tạm thời tách thanh ra, để lại thanh ngang). Ví dụ: bà: /ba/ - huyền - /bà/. Học sinh chỉ học tiếng có thanh khi đã đọc trơn được tiếng thanh ngang.
PGS-TS Phạm Văn Tình nhận xét, về cơ bản, chữ viết ghi âm là theo nguyên tắc "nói thế nào viết thế ấy". Tức là từ ngữ "đi qua tai" và từ âm thanh thu nhận được người ta "văn tự hóa" thành các từ trên văn bản. Và khi khôi phục lại, người ta phải đọc lại từ đó qua tự dạng. Chính tả và chính âm tiếng Việt vẫn đang tồn tại những cái bất hợp lý.
Có những cái do sự khác biệt về xuất xứ (“cuốc” là từ thuần Việt, “quốc” là từ Hán Việt (= nước), còn các trường hợp khác, hoặc do quy ước (cùng âm vị [k] nhưng viết khác: “cái cuốc”, “kể chuyện”, “quả quyết”...). Người ta phải làm quen và chấp nhận cách viết đó như "một phần tất yếu của mỗi ngôn ngữ tự nhiên" (tiếng Pháp, tiếng Nga và nhất là tiếng Anh đều có những sự "vênh" giữa chính âm và chính tả).
Chính tả là vấn đề không thuần túy ngôn ngữ mà còn mang tính văn hóa. Dạy đánh vần, dạy chữ có nhiều cách chứ không phải chỉ có một. Vấn đề là dạy sao cho phù hợp với năng lực nhận thức của trẻ, đơn giản và hiệu quả. Chọn giải pháp thích hợp là yêu cầu quan trọng của nguyên tắc sư phạm "lấy học sinh là trung tâm", theo Thể thao và Văn hóa.
Nguyễn (t/h)Bạn đang xem bài viết Cách phiên âm đánh vần Tiếng Việt theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1 tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].