Không chỉ quan tâm tới cốt truyện, trang phục mà các diễn viên sử dụng trong những bộ phim cổ trang Việt Nam cũng là chủ đề gây không ít ý kiến trái chiều.
1. Thái Tổ Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long
Phim cổ trang chưa bao giờ là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam thế nhưng Thái Tổ Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long lại là một trường hợp khiến người xem có cái nhìn khác về thể loại phim này.
Tuy được khen nhiều về bối cảnh cũng như dàn diễn viên thực lực thế nhưng tác phẩm này lại nhận không ít chỉ trích khi chọn "cổ phục" không đề cao màu sắc thuần Việt.
Cụ thể, nhiều người cho rằng, ê kíp làm phim chọn trang phục chưa hợp lý, những bộ đồ diễn viên mặc mang nhiều màu sắc của cổ trang Trung Quốc.
Được biết, đây là dự án phim có đầu tư hàng trăm tỷ, tuy nhiên do bối cảnh, y phục cùng 1 số lý do nên bộ phim này đã không được lên sóng.
2. Anh chàng vượt thời gian
Anh chàng vượt thời gian là cái tên tiếp theo được liệt kê vào danh sách này. Không chỉ bị chê tơi tả về nội dung, trang phục của phim cũng là điểm nhận về nhiều gạch đá.
Phần lớn người xem đều cho rằng, hiếm có 1 bộ phim cổ trang nào mà nhân vật lại ăn mặc màu mè, đồng bóng như Anh chàng vượt thời gian. Không những thế, thiết kế của trang phục cũng làm người xem nhức mắt vì cắt xẻ kém duyên.
Chưa dừng lại ở đó, các diễn viên còn có style make up rất khó coi, tạo nên tổng thể vừa màu mè lại vừa sến như 1 nồi thập cẩm làm công chúng khó lòng yêu thích.
3. Tấm Cám: Truyện chưa kể
Trong số các bộ phim cổ trang Việt thì Tấm Cám: Truyện chưa kể là tác phẩm được đánh giá cao cả về nội dung lẫn dàn diễn viên thực lực.
Mặc dù có nhiều điểm cộng nhưng phim vẫn vướng hạt sạn về trang phục. Không ít khán giả cho rằng, các nhân vật trong Tấm Cám: Truyện chưa kể không phù hợp với bối cảnh lịch sử của Việt Nam.
Có một số chi tiết cách tân, sáng tạo quá làm mất đi nét đẹp vốn có của áo tứ thân truyền thống.
Thời điểm xảy ra những tranh cãi này, ê kíp của Tấm Cám: Truyện chưa kể cũng lên tiếng giải thích, phim cổ xưa không nhất thiết phải là áo yếm, mấn, tứ thân mà còn có nhiều loại trang phục khác.
Ngoài ra, phim này thuộc thể loại giả tưởng thần thoại, lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám - vốn không thuộc bất cứ triều đại nào.
4. Mỹ nhân
Vẫn là lỗi chọn trang phục cẩu thả, bộ phim Mỹ nhân đã nhận về không ít chỉ trích từ khán giả.
Chưa bàn tới nội dung, ngay từ những phút đầu, bộ phim này đã vấp phải ý kiến trái chiều khi chọn trang phục, tạo hình nhân vật quá sai so với lịch sử.
Nhiều người cho rằng, ê kíp không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng khi làm phục trang bởi trên trang phục của vị quan có in hình vua sư tử, ống tay áo lại in họa tiết khác hẳn với lịch sử triều Lê.
Không chỉ vậy, nhìn tạo hình nhân vật các vị vua quan trong phim trông na ná phim cổ trang Trung Quốc.
5. Quỳnh Hoa Nhất Dạ
Quỳnh Hoa Nhất Dạ là bộ phim sắp được công chiếu với sự tham gia của nữ diễn viên, siêu mẫu Thanh Hằng.
Dù chưa lên sóng thế nhưng ngay từ những hình ảnh "nhá hàng", Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã gây ra không ít tranh cãi về trang phục của các nhân vật trong phim.
Rất nhiều khán giả nhận xét, trang phục mà nữ chính Thanh Hằng diện mang đậm hơi hướng cung đình Mãn Thanh.
Từ màu sắc, kiểu dáng cho đến họa tiết của trang phục này đều xa lạ với lịch sử Việt.
Việc xây dựng 1 bộ phim liên quan đến lịch sử nước nhà nhưng trang phục lại có chút góp nhặt, vay mượn mang hơi hướng cổ trang Trung Quốc của Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã làm phật lòng không ít người xem Việt dù chưa ra rạp.