PGS.TS Trần Đình Thiên: “Ngay cả lúc đói, một dân tộc có văn hóa vẫn cứ bàn đến văn hóa”

Xung quanh việc thành phố Hà Nội có quy hoạch xây dựng nhà hát Opera tại khu vực Hồ Tây,  PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ về vai trò của sự phát triển văn hoá và góc nhìn về các công trình văn hoá mang tính biểu tượng.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông có những nhận định thế nào về sự phát triển song hành kinh tế-văn hóa?

Văn hóa là nền tảng để phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Đối với nước ta, các yếu tố về văn hóa vẫn được đặc biệt coi trọng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Gần đây nhất, trong Hội nghị về văn hóa, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định thêm một lần nữa, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chúng ta.

Nói thế để thấy văn hóa là nền tảng tinh thần đặc biệt quan trọng, là khái niệm rộng, xuyên suốt lịch sử và gồm nhiều yếu tố cấu thành. Văn hoá là thứ níu giữ cho dân tộc này suốt 4.000 năm không thay đổi. Văn hóa như chiếc neo, giữ cho dân tộc đứng yên. Nhưng mặt khác, cứ đứng yên như thế cũng rất nguy hiểm.

Thế thì, đối xử như nào với nền văn hóa, thứ đã giữ cho chúng ta kiên định lập trường, bất biến như thế, và bây giờ, phải chuyển đổi và hòa cùng thế giới để trở thành một nền văn hóa hội nhập? Đó là vấn đề quan trọng cần được bàn đến trong thời điểm hiện nay.

Có thể khẳng định, công nghiệp văn hóa là sức mạnh để phát triển. Ẩn sau đó là cả một nền tảng, sự thay đổi mang tính thời đại. Lâu nay ta “kiêng khem” vì khái niệm văn hóa tức là không dính dáng đến tiền bạc, nó cao siêu và tinh khiết lắm. Bây giờ mới lại thấy, văn hóa làm ra nhiều tiền bạc nhất, mang lại sự giàu có hay ho nhất, cuốn hút được đông người tham gia nhất. Đó là cả một sự thay đổi quan niệm ghê gớm. Bất cứ từ chiều cạnh, tầng lớp, lát cắt nào, thì khái niệm văn hóa cũng mang tính xuyên suốt và chi phối sự phát triển của loài người.

Vậy thì kinh tế và văn hóa phải có tiếng nói chung thế nào để có thể mang lại nguồn lợi cho đất nước, cho Hà Nội thưa ông?

Bây giờ ta mới bàn đến chuyện này kể cũng hơi muộn, trong khi thế giới đã đi xa lắm rồi. Nhưng điều này thực ra cũng không phải lỗi lầm cá nhân, không phải nhận thức kém hay không sáng suốt gì. Bởi lẽ, mỗi thời đều có trình độ, cách tiếp cận, quan điểm về văn hóa. Gần đây, chúng ta bàn nhiều đến công nghiệp văn hóa, đặc biệt là Hà Nội, để phát triển kinh tế thị trường và hội nhập mở cửa. Tôi cho rằng, Hà Nội đang bàn đúng hướng, đất nước này đang bàn đúng hướng.

Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết xác định chất văn hóa, tầm văn hóa, vai vế văn hóa của Hà Nội trong sự phát triển quốc gia được định hình rất rõ ràng. Hà Nội cũng đang xây dựng một quy hoạch phát triển tổng thể cùng cả nước để định hình chân dung văn hóa Hà Nội như là một biểu tượng quốc gia, như là một nơi hội tụ sức mạnh phát triển…

Rõ ràng, Hà Nội đang có một chiến lược phát triển văn hóa theo tầm, đúng mục tiêu, với sự bàn luận công khai, phát huy sáng kiến giới của giới trí thức, làm sống dậy nền tảng văn hóa của mấy nghìn năm Hà Nội cộng với tinh hoa văn hóa của loài người. Chân dung Việt Nam, chân dung Hà Nội nhờ thế được định hình trong sự tích hợp quá khứ và tương lai. Đây là cơ hội tốt để Hà Nội làm rõ khuôn mặt văn hóa, văn hiến trong tổng thể văn minh của mình.

Khu vực Hồ Tây đang được thành phố Hà Nội quy hoạch thành trung tâm văn hoá nghệ thuật mới tại thủ đô

Quan điểm của ông thế nào về việc Hà Nội cần có thêm những không gian văn hóa mới, khi Hà Nội đã vươn lên trở thành một thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới, và không gian Hồ Gươm gần như đã quá tải?

Khái niệm trung tâm thành phố có tính bức bối cao lắm, không gian phát triển đang bị dồn nén. Tôi vài lần đi họp, tình cờ đi qua vài điểm di tích trong điểm của Hà Nội, đường đông, tắc nghẽn, người thì vẫn cứ cuồn cuộn đổ về. Ngày thường không thế đâu, nhưng một năm mà có vài “cú” như thế này thì nghiêm trọng rồi. Có người trải nghiệm một lần là sợ đến già.

Hồ Gươm và Nhà hát Lớn vẫn luôn là biểu tượng của văn hóa Thủ đô. Không gian đó, quả thật chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân, chứ chưa nói nhu cầu ngày càng tăng lên và tăng rất nhanh của Hà Nội. Và Hà Nội, muốn là trung tâm, thì đầu tiên phải là nơi hội tụ tất cả, đặc biệt là nguồn lực con người. Hà Nội phải là nơi hội tụ của cả nước.

Trong tất cả các chiều cạnh, Hà Nội cần mở rộng những cơ sở, trung tâm văn hóa về cả quy mô và chất lượng, có thêm tính địa điểm, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của nhân dân.

Nhưng cũng xin nói thêm, đông vui, chật chội cũng có giá trị của nó. Nó chứng tỏ nơi này hấp dẫn. Pha loãng là không được đâu. Thoải mái nhưng cũng phải giữ lại tính chất. Vì vậy, không gian cũ cũng phải được nâng cấp, đồng thời mở ra những không gian mới. Tôi đặc biệt nhấn mạnh, không gian mới cũng phải là tổ hợp mang tính hiện đại, tính hướng tới, đáp ứng nhu cầu bậc cao của cả loài người.

Có ý kiến cho rằng, Hà Nội xây dựng một nhà hát Opera tầm cỡ thời điểm này là chưa phù hợp, khi còn nhiều hoàn cảnh “cơm chưa đủ no”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Đây chính là vấn đề về nhu cầu đối với các loại hình văn hóa nghệ thuật. Trong lịch sử phát triển, không phải cứ có nhu cầu thật cấp bách thì mới làm. Nếu mà như thế thì nhu cầu không bao giờ được đáp ứng hiệu quả mà lại có thể đối mặt nguy cơ tụt hậu hoặc đánh mất thời cơ.

Cung cầu luôn song hành, nương tựa vào nhau để tiến lên. Thậm chí phải tạo ra nhu cầu, khuyến khích nhu cầu ấy, phải tiên đoán được sự phát triển để dẫn dắt sự phát triển của cung. Cũng khó mà đong đếm khi nhu cầu lên tới mấy nghìn rồi thì ta mới xây dựng cái nhà hát một nghìn chỗ cho chắc ăn. Như thế, chẳng bao giờ có được cái nhà hát cả. Vấn đề ở đây là phải có tính dự báo, phải biết chuẩn bị cho tương lai. Nếu tính 10 năm sau xã hội mới có nhu cầu nên 10 năm sau hãy xây nhà hát, thì đó là cách tiếp cận rất dở.

Chúng ta biết nhiều công trình văn hóa kiến trúc lớn của loài người đều là sản phẩm của những ý tưởng mang tính “điên rồ”.  Điên rồ ở đây theo nghĩa vượt tầm thời đại, theo nghĩa khác thường. Không có cái khác thường như thế, không thể nảy sinh nhu cầu.

Đối với các công trình văn hóa lớn của thế giới, muốn tạo ra một kỳ tích, trước tiên phải có ý tưởng. Đến lúc này, tôi khẳng định, năng lực tạo ra sự “điên rồ” ở Việt Nam không dồi dào lắm đâu. Đột biến để phát triển hiếm lắm. Đã đến lúc cần học thế giới, cùng đồng tốc phát triển với thế giới.

Cho nên, tôi hoàn toàn đồng ý với ý tưởng xây dựng nhà hát Opera. Hà Nội đang đặt ra vấn đề rất rõ ràng, ý tưởng mạnh mẽ, quyết liệt để nâng tầm văn hóa, để đẩy nhanh nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Chúng ta không thể nghe mãi câu chuyện có được cái giấy mời thì vào nhà hát, nghe giao hưởng thì toàn ngáp ngủ gật, chứ không phải tận hưởng nền âm nhạc hàn lâm.

Nhà hát Opera Hà Nội đang được quy hoạch xây dựng tại khu vực Hồ Tây

Việc xây dựng một công trình văn hóa đẳng cấp cao, trong đó có nhà hát Opera là vấn đề phải được đặt ra, thảo luận nghiêm túc. Đừng mãi theo phương cách cổ truyền: “Cơm chưa no đã đi nhảy múa”. Đấy là cách nghĩ có phần hợp lý trong điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cách nghĩ ấy là cách nghĩ phần nhiều hướng về quá khứ chứ không phải cách nghĩ cho tương lai. Chúng ta hãy nâng cao giá trị con người lên, kéo đất nước đi cùng thế giới. Thời gian triển khai thực tế có thể lùi lại một tý, nhưng câu chuyện thảo luận vẫn phải đặt ra, phải bàn luận sớm. Thậm chí tôi nghĩ, ai mà “điên rồ” đứng ra làm việc này bây giờ thì Hà Nội phải chớp ngay thời cơ. Nếu ai sẵn lòng làm, thì hưởng ứng luôn đi.

Nhưng cũng xin thưa rằng, ở đây không phải là cách làm theo kiểu “trọc phú”, mà đưa đất nước đi lên trong cuộc đua tranh với thế giới bằng một công trình xứng đáng. Mấy nghìn năm nay đất nước đã hầu như đi chậm rồi, bây giờ nhất định phải là một bước nhảy thực sự có ý nghĩa.

Và ý của ông là, sau khi được xây dựng, thì công trình này thực sự phải là một biểu tượng của đất nước?

Chắc chắn. Nó phải là một biểu tượng văn hóa, biểu tượng của đất nước, đồng thời là biểu tượng của thủ đô văn hiến, để nhìn vào đó, ta thấy một công trình tụ hội toàn bộ tinh hoa văn hóa.

Dẫu vậy, việc xây dựng nhà hát Opera ở khu vực Hồ Tây dưới hình thức xã hội hoá đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Như tôi nói, câu chuyện này là đại sự, phải có thái độ rất nghiêm túc. Chúng ta đặt vấn đề, công trình sau khi hoàn thiện phải thực sự mang tính biểu tượng. Để làm được điều này, thì cần có người đầu tư xứng đáng. Nhà đầu tư ở đây không chỉ có tiền, mà phải có ý tưởng, có thể “cô đặc hóa” định hình ý tưởng vào trong một không gian kiến trúc, một hình dạng kiến trúc đẳng cấp. 

Cần có khả năng tạo nên một nhà hát Việt Nam hiện đại, đua với thế giới, để mà kéo du khách thế giới đến với Việt Nam. Chứ không để cứ mãi “ăn tối, múa rối” như khách du lịch xưa nay dùng để tả Hà Nội nữa. Cái nhà hát ấy, chỉ hay thôi chưa đủ mà phải đủ tầm vóc, tầm cỡ.

Tôi cũng khẳng định bây giờ đặt ra vấn đề xây nhà hát Opera rất dễ bị phản đối. Vừa đại dịch Covid-19 xong, dân còn nghèo, mạng xã hội thì tính xúc động cao. Nhưng nói thật, ngay cả lúc đói, một dân tộc có văn hóa vẫn cứ bàn đến văn hóa. Và nếu công trình tầm cỡ thì vẫn cứ cần bàn sớm, chứ không phải vì đói mà không nghĩ đến cái đẹp, cái cao cả.

Việc xây nhà hát ở Đầm Trị hiện giờ mới đang bàn, nhưng tôi ủng hộ. Khu vực Hồ Tây hiện giờ đang tổ chức phát triển rất lãng phí. Hồ Tây được ví như một viên ngọc, nhưng ngoài mấy cái nhà hàng nổi ra thì có gì khác không? Tây Hồ là vùng đất thiêng, có cảnh quan không gian, có bề dày văn hóa bởi những ngôi làng cổ ven hồ, có sen hồ tây, có huyền thoại về Dâm Đàm, Lãng Bạc… Nhưng tất cả vẫn chưa thể khai thác phát triển đúng tầm. Cho nên, đừng ngại bàn luận hay vấp phải những ý kiến trái chiều. Ý tưởng nào tốt cho Hà Nội thì rất nên ủng hộ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Tin liên quan